
Đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam là các tổ chức, đơn vị do các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam thành lập ra nhằm cung cấp các dịch vụ công và thực hiện một hay một số chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật nước này. Tại Việt Nam, hầu hết các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều có các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ cho các mục đích quản lý; người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức.
Đa số các đơn vị sự nghiệp công lập Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với tỷ lệ trên 70% cả về số lượng và số người làm việc. Phần nhiều các đơn vị chưa tự chủ được về mặt tài chính, còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Một số ý kiến chỉ ra hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về tổ chức, về tài chính cũng như về hoạt động; mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của khối đơn vị này trong nước.
Khái niệm và phân loại
Theo quy định tại Luật Viên chức Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức.[a][1]
Đơn vị sự nghiệp công lập có con dấu và tài khoản riêng.[2] Theo phân loại, có hai loại đơn vị sự nghiệp công lập gồm: đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Các quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các nhóm lĩnh vực như tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ.[1] Ngoài ra, căn cứ vào khả năng tự chủ tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập còn có thể chia thành 4 nhóm như: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.[2]

Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế–xã hội, an ninh, quốc phòng.[3] Tại các cấp hành chính của Việt Nam từ trung ương đến cấp xã đều có các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ cho việc hoạt động các lĩnh vực kinh tế–xã hội như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, bảo tàng, trung tâm thể dục thể thao,... Theo Quyết định 181/2005/QĐ–TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, có 11 hạng xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập, gồm hạng đặc biệt và từ hạng một đến hạng 10.[4]
Hoạt động
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam, ở thời điểm năm 2015, nước này có 55.404 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2021 giảm còn 47.984 đơn vị,[5] và đến năm 2023 còn 46.385 đơn vị.[6] Thống kê cũng chỉ ra ở thời điểm năm 2021 có 1,76 triệu viên chức, trong đó khoảng 68% là nữ và 76% có trình độ từ đại học trở lên.[7] Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế chiếm tỷ lệ lớn nhất, vào năm 2016 thì con số lần lượt là 72,08% và 10,62%.[8] Đối với nhân lực làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo Tổng cục Thống kê tỷ lệ lao động hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục chiếm phần lớn với khoảng 70% năm 2020.[9][8]
Về vấn đề tài chính, theo một thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam vào năm 2021, 74,7% số đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam vẫn do nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; trong khi số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc cả chi thường xuyên và chi đầu tư chỉ chiếm khoảng 6,6%.[10] Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nguyễn Anh Tuấn (2024) dẫn số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ.[11] Một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần được ban hành năm 2015 nhưng trong giai đoạn 2017–2020, thì tỷ lệ đơn vị đã chuyển đổi thành công ty cổ phần chỉ đạt 14,5%, cũng theo một báo cáo của Bộ Tài chính nước này.[12]
Đánh giá
Vào năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó nhận định các đơn vị sự nghiệp công lập với nhân lực là các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học đã có đóng góp lớn vào sự đi lên của Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của nước này. Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động ở nhiều địa bàn, cung ứng các dịch vụ phát triển kinh tế – xã hội.[13] Năm 2023, một Kết luận của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản, chất lượng được cải thiện và đáp ứng các nhu cầu của người dân Việt Nam.[14] Một bài báo nghiên cứu của Phan Đăng Sơn và Trần Thị Bích Ngọc (2023) đánh giá việc tự chủ tài chính tác động tích cực đến kết quả chuyên môn và kết quả tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam.[15]
Cũng trong các văn bản Nghị quyết 19 và Kết luận 62 kể trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán và chồng chéo cũng như công tác quản trị nội bộ còn yếu kém. Trong vấn đề tài chính, chi ngân sách còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, lãng phí, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhân sự và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa cao.[13][14] Trong vấn đề quản lý công sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập Việt Nam, Phan Công Khanh (2021) chỉ ra một số vấn đề như việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa được quy định rõ, việc khuyến khích xã hội hóa một số lĩnh vực chưa được quan tâm, hiệu quả sử dụng và xử lý công sản chưa tốt.[16] Nghiên cứu của Nguyễn Đăng Dũng (2021) cho thấy năng lực tự ra quyết định của các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ tại Việt Nam về các vấn đề như tự chủ quản lý, chính sách, bộ máy và tài chính phụ thuộc vào mức độ tự chủ của đơn vị cũng như chính sách trao quyền tự chủ của Nhà nước.[17]
Tham khảo
Chú thích
- Ghi chú
- ^ Khác với công chức là người làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008.
- Chú thích
- ^ a b Công báo Chính phủ Việt Nam (ngày 16 tháng 12 năm 2019). "Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-VPQH về Luật Viên chức". Quốc hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Lê Minh Khái (người ký) (ngày 21 tháng 6 năm 2021). "Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập" (PDF). Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 13 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.
- ^ "Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập". Bộ Tài chính Việt Nam. ngày 26 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phan Văn Khải (người ký) (ngày 19 tháng 7 năm 2005). "QUYẾT ĐỊNH Quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập". Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phạm Thị Thanh Trà (ngày 24 tháng 1 năm 2023). "Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Tạp chí Xây dựng Đảng. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phúc Nguyên (ngày 4 tháng 4 năm 2024). "Tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập". Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phương Thảo; Thùy Trang (ngày 31 tháng 8 năm 2022). "Việt Nam hiện có bao nhiêu công chức, viên chức?". Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Thu Thủy (ngày 7 tháng 7 năm 2022). "Tháo gỡ những vướng mắc trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập". Tạp chí Quản lý nhà nước. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- ^ Tổng cục Thống kê (ngày 3 tháng 8 năm 2022). "Cả nước có bao nhiêu đơn vị, lao động hành chính, sự nghiệp?". Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- ^ Trâm Anh (ngày 11 tháng 11 năm 2022). "Mới có 6,6% số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên, chưa đạt mục tiêu". VnEconomy. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Anh Tuấn 2024, tr. 12
- ^ Trần Thị Bích Ngọc (ngày 22 tháng 8 năm 2023). "Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực quản trị các đơn vị sự nghiệp công lập". Tạp chí Quản lý Nhà nước. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Phú Trọng (người ký) (ngày 25 tháng 10 năm 2017). "Nghị quyết số 19-NQ/TWB của BCHTW khóa XIII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Trương Thị Mai (người ký) (ngày 2 tháng 10 năm 2023). "Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập". Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phan Đăng Sơn; Trần Thị Bích Ngọc (ngày 24 tháng 8 năm 2023). "Tác động của tự chủ tài chính đến kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học – công nghệ tại Việt Nam". Tạp chí Quản lý Nhà nước. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phan Công Khanh 2021, tr. 62
- ^ Nguyễn Đăng Dũng 2021, tr. 63–64
Thư mục
- Phan Công Khanh (2021), "Quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập – Thực trạng và giải pháp" (PDF), Tạp chí Quản lý nhà nước, 301 (2), Hà Nội
- Nguyễn Anh Tuấn (2024), "Tự chủ tài chính trong các trường đại học của Việt Nam: Thực trạng và những khuyến nghị" (PDF), Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, 20 (3), Hà Nội, doi:10.15625/2615-8957/12410302
- Nguyễn Đăng Dũng (2021), "Tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam", Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 63 (4), Hà Nội