Phùng Hưng 馮興 | |||||
---|---|---|---|---|---|
Tượng đồng Phùng Hưng tại đền thờ Cam Lâm, Hà Nội | |||||
Thủ lĩnh An Nam thời Bắc thuộc | |||||
Tiền nhiệm | Mai Hắc Đế | ||||
Kế nhiệm | Phùng An | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | ? Đường Lâm, An Nam đô hộ phủ | ||||
Mất | ? Tống Bình, An Nam | ||||
Hậu duệ | Phùng An | ||||
|
Phùng Hưng (chữ Hán: 馮興; ? – ?), nổi tiếng với tôn hiệu Bố Cái Đại Vương (chữ Hán: 布盖大王), là thủ lĩnh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ An Nam của nhà Đường năm 791, thời Bắc thuộc lần thứ ba (602–905) trong lịch sử Việt Nam.
Nguồn gốc tôn hiệu
Tôn hiệu phổ biến của Phùng Hưng, Bố Cái Đại Vương (布盖大王), được coi là một trong những trường hợp sử dụng chữ Nôm bản địa cổ nhất hiện còn lưu truyền.[1][2] Việt điện u linh tập (1329) giải nghĩa hai chữ Bố Cái (布盖) là "bố mẹ", vì theo quốc tục mà đặt vậy. Các bộ chính sử về sau như Đại Việt sử ký toàn thư (1697) đời Hậu Lê và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (1859) đời Nguyễn đều dẫn cổ sử mà khẳng định tương tự. Trong Việt-Nam cổ văn học sử (1942), Nguyễn Đổng Chi nhận thấy sự tương đồng giữa danh hiệu trên và những từ chỉ đấng sinh thành trong tiếng Mường Lào như bọ "bố" và cày "mẹ".[3]
Tuy nhiên, tồn tại một luồng ý kiến trái chiều tới từ một số nhà ngôn ngữ học – tiêu biểu gồm có A.G. Haudricourt và Mei Tsu-Lin – cho rằng hai chữ kia đáng ra phải được hiểu là "bua/vua lớn" dựa trên bằng chứng ngữ âm tiếng Hán trung cổ và rằng cách đọc "bố cái" rõ ràng lệch thời.[4][2] Nhận xét về giả thuyết của Haudricourt, sử gia Keith W. Taylor trong công trình The Birth of Vietnam (1983) cho rằng đề xuất đó tuy "khá hợp lý và thú vị", song cũng phải chú ý rằng Việt điện u linh tập, vốn được soạn gần thời gian xảy ra sự kiện hơn, minh giải danh hiệu kia là "bố mẹ".[5] Dù vậy, trong một bài đăng sau đó trên tạp chí The Vietnam Forum (1986), Taylor rút lại nhận định của mình và cho rằng suy đoán của Haudricourt khá thuyết phục.[6]
Năm 1994, Nguyễn Tài Cẩn phản bác giả thuyết "bua/vua cái" trong một bài báo ngôn ngữ học viết bằng tiếng Nga, đọc trước hội thảo khoa học tại Sankt-Peterburg. Theo đó, hai luận điểm chính mà ông đưa ra là: (1) lý giải chữ "cái" ở đây là "lớn" không thích hợp về mặt ngữ nghĩa, bởi vì từ này thường được dùng cho các sự vật có tính đối lập nghĩa "lớn – nhỏ" hoặc "mẹ – con"; và (2) "bố mẹ" hoàn toàn có thể mang nghĩa "thủ lĩnh, lãnh đạo" mà không cần phải lập luận dựa trên sự thay đổi cách đọc chữ 布, sở dĩ vì hiện tượng lấy danh từ chỉ người bề trên để nói bóng về thủ lĩnh xuất hiện khá phổ biến trong các ngôn ngữ ở Đông Dương.[a][2]
Sử liệu
Việt điện u linh tập (1392) của Lý Tế Xuyên là tác phẩm có soạn niên sớm nhất đề cập đến Phùng Hưng. Tuy nhiên, thông tin về thân thế và sự nghiệp của ông trong tác phẩm này thực chất được dẫn lại từ một tác phẩm khác, đã thất lạc, có nhan đề là Giao Châu ký (交州記), do một tác giả họ Triệu thời Đường biên soạn.[b] Theo một số nhà nghiên cứu, người họ Triệu này nhiều khả năng là Triệu Xương – viên quan giữ chức Đô hộ An Nam sau cái chết của người tiền nhiệm Cao Chính Bình.[7][8][9] Nhìn chung, đoạn nói về Phùng Hưng trong Việt điện u linh tập chủ yếu giải thích sự phát triển tục thờ phượng ông trên đất An Nam tự cổ chí kim, và những thông tin này hầu như được Lý Tế Xuyên và các soạn giả đời sau thêm thắt vào.[9]
Đáng chú ý, về thông tin của cuộc khởi nghĩa, các nguồn chính sử cận thời của Trung Quốc như Cựu Đường thư (945), Tân Đường thư (1054) và Tư trị thông giám (k. 1084) đều không thấy nói gì đến Phùng Hưng mà chỉ ghi nhận một thủ lĩnh An Nam tên là Đỗ Anh Hàn (杜英翰) dấy binh làm phản.[10][‡ 1][‡ 2][‡ 3] Về vấn đề này, Keith W. Taylor cho rằng "hoặc là người Đường không hiểu rõ về bản chất của cuộc khởi nghĩa chống lại họ, hoặc là họ muốn xóa bỏ cái tên Phùng Hưng khỏi lịch sử."[11]
Tiểu sử
Nơi sinh chính xác của Phùng Hưng, tức địa danh Đường Lâm được nhắc đến trong Việt điện u linh tập, hiện là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới Việt sử học. Tuy theo truyền thống thường được coi là gần làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội ngày nay, tồn tại các giả thuyết trái chiều cho rằng Đường Lâm trong cổ sử nằm xa hơn về phía nam, có thể là tọa lạc ở Thanh Hóa[12] hoặc Hà Tĩnh.[13][14]
Phụ chú
- ^ Ông có liệt kê ví dụ một số cụm danh ngữ chỉ thủ lĩnh sau đây để củng cố lập luận của mình: tiếng Rục có pư kavêl (n.đ. 'cha làng'), tiếng Khmer có me sroc (n.đ. 'mẹ làng'); tiếng Bahnar có bốc tơm (n.đ. 'ông già'); tiếng Lachi có pô mie nhu (n.đ. 'bố mẹ già'), v.v.
- ^ Có hai dị bản về tên của soạn giả này: bản A.47 chép Triệu Công (趙公), bản A.751 chép Triệu Vương (趙王).[7]
Tham khảo
Cổ sử
- ^ Cựu Đường thư, Quyển 13 :
"己未,安南首領杜英翰叛,攻都護府,都護高正平憂死。" [Kỷ Mùi, thủ lĩnh An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, tấn công đô hộ phủ, đô hộ Cao Chính Bình lo sợ mà chết] - ^ Tân Đường thư, Quyển 7 :
"四月,安南首領杜英翰反,伏誅。" [Tháng 4, thủ lĩnh An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, lãnh án tử.] - ^ Tư trị thông giám, Quyển 233 :
"安南都護高正平重賦斂,夏,四月,群蠻酋長杜英翰等起兵圍都護府,正平以憂死。" [Đô hộ An Nam là Cao Chính Bình thu thuế nặng, hè tháng 4, tù trưởng của bọn man Đỗ Anh Hàn khởi binh vây hãm đô hộ phủ, Chính Bình vì vậy lo sợ mà chết.]
Hiện đại
- ^ Đào 1975, tr. 42.
- ^ a b c Nguyễn 1996.
- ^ Nguyễn 1970, tr. 43.
- ^ de Francis 1977, tr. 22.
- ^ Taylor 1983, tr. 204, chú thích 96.
- ^ Taylor 1986.
- ^ a b Lý 1961, tr. 26, 154.
- ^ Phạm 2009, tr. 53.
- ^ a b Taylor 1983, tr. 331.
- ^ Phạm 2009, tr. 54.
- ^ Taylor 1983, tr. 332.
- ^ Lê 2011.
- ^ Đào 2005, tr. 75.
- ^ Trần 2021a.
Thư mục
Cổ sử
- Cựu Đường thư] (bằng tiếng Trung) – qua Wikisource. [Quyển 13]. 舊唐書 [
- Tân Đường thư] (bằng tiếng Trung) – qua Wikisource. [Quyển 7]. 新唐書 [
- Tư trị thông giám] (bằng tiếng Trung) – qua Wikisource. [Quyển 233]. 資治通鑑 [
- Lý, Tế Xuyên (1961) [1372]. Việt-điện u-linh tập. Lê Hữu Mục biên dịch. Sài Gòn: Khai-Trí.
- Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ, Dịch giả Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nhà xuất bản Văn Sử 1991
- An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, Nhà xuất bản Viện đại học Huế, 1961
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
Hiện đại
- Đào, Duy Anh (2005). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
- —— (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn biến. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
- de Francis, John (1977). Joshua A. Fisheman (biên tập). Colonialism and Language Policy in Viet Nam [Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam]. Den Haag, Paris và New York: De Gruyter. ISBN 90-279-7643-0.
- Lê, Thanh Hải (2011). “Quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền thực sự ở đâu?”. khoavanhoc-ngonngu.edu.vn. Truy cập 16 tháng 5 năm 2024.
- Nguyễn, Đổng Chi (1970) [1942]. Việt-Nam cổ văn học sử. Huế: Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa.
- Nguyễn, Tài Cẩn (1996) [1994]. Cao Xuân Hạo biên dịch. “Về cách đọc tước hiệu Bố Cái Đại Vương”. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế. — In trong Nguyễn Thiện Giáp biên tập (2001). Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự, và văn hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. tr. 42–47.
- Nguyễn, Hữu Tâm; Nguyễn, Đức Nhuệ & Trương, Thị Yến (2017). Vũ Duy Mền (biên tập). Lịch sử Việt Nam, Tập 1: Từ khởi thủy đến thế kỷ X. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
- Phạm, Lê Huy (2009). “Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. 401: 46–58.
- Taylor, Keith W. (1983). The Birth of Vietnam [Sự khai sinh của Việt Nam]. Berkeley, Los Angeles và London: Nhà xuất bản Đại học California. ISBN 978-0-520-07417-0.
- —— (1986). “Phùng Hưng: Mencian King or Austric Paramount” [Phùng Hưng: Vị vua theo thuyết Mạnh Tử hay Đấng Tối cao Nam phương]. The Vietnam Forum. New Haven: Council on Southeast Asia Studies. 8: 10–25. ISSN 0735-3855.
- Trần, Ngọc Vượng; Nguyễn, Tô Lan & Trần, Trọng Dương (2011). “Đường Lâm là Đường Lâm nào? Tìm về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Huế: Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. 85 (2): 115–137.
- Trần, Trọng Dương (2021a). “Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong (Kỳ 1: Đường Lâm ở Hà Tĩnh)”. Tạp chí Tia Sáng. Truy cập 19 tháng 5 năm 2024.
- —— (2021b). “Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong (Kỳ 2: Giao lộ đông tây từ Biển Đông đến Mekong)”. Tạp chí Tia Sáng. Truy cập 4 tháng 7 năm 2024.