Cao Duy Sơn | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Nguyễn Cao Sơn |
Ngày sinh | 28 tháng 4, 1956 |
Nơi sinh | Trùng Khánh, Cao Bằng |
Nơi cư trú | Hà Nội |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | ![]() |
Đảng chính trị | ![]() |
Dân tộc | Tày |
Nghề nghiệp | nhà văn |
Lĩnh vực | văn học |
Sự nghiệp văn học | |
Thể loại | tiểu thuyết, truyện ngắn |
Tác phẩm |
|
Giải thưởng | Danh sách |
Binh nghiệp | |
Thuộc | ![]() |
Năm tại ngũ | 1973 - 1980 |
Đơn vị | F304A |
Giải thưởng | |
Giải thưởng Nhà nước 2017 Văn học Nghệ thuật | |
Cao Duy Sơn (tên khai sinh là Nguyễn Cao Sơn; sinh năm 1956) là nhà văn Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2017.
Tiểu sử
Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn. Ông sinh ngày 28 tháng 04 năm 1956 tại Cô Sầu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông là người dân tộc Tày.
Tháng 8 năm 1973, Cao Duy Sơn nhập ngũ, tham gia Quân đội thuộc Sư đoàn 304A. Tháng 3 năm 1976, Trung đoàn 123 của ông lên Lạng Sơn tuyển quân nhưng đến tháng 10 năm 1978 thì đột ngột chuyển quân ra biên giới xây dựng các điểm chốt giữ và đơn vị ông đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Lạng Sơn trong Chiến tranh Biên giới Việt Trung.[1]
Năm 1980, ông chuyển ngành làm phóng viên Đài phát thanh Cao Bằng. Từ năm 1989 đến 1992, ông học Trường viết văn Nguyễn Du Hà Nội. Ra trường, ông trở về làm việc tại Đài phát thanh truyền hình Cao Bằng. Năm 2001, ông chuyển công tác sang Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng.
Năm 2003 chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.[2] Sau đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam,[3] Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc.[1]
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997.
Sự nghiệp
Cao Duy Sơn là nhà văn đã được khẳng định tên tuổi trong dòng văn học viết về đề tài miền núi, dân tộc. Ông đã có 6 tập truyện ngắn: Những chuyện ở lũng Cô Sầu; Những đám mây hình người; Hoa bay cuối trời; Ngôi nhà xưa bên suối; Người chợ; Non cao rừng thẳm, và 6 cuốn tiểu thuyết: Người lang thang; Cực lạc; Hoa mận đỏ; Đàn trời; Chòm ba nhà; Biệt cánh chim trời.[1]
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Cao Duy Sơn ít viết cho thiếu nhi, nhưng trong số ít ấy có truyện ngắn Chích bông ơi! đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập 2, bộ ''Cánh diều''.[4]
Cao Duy Sơn đã giành được nhiều giải thưởng văn học: Giải A văn học dân tộc thiểu số Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho tiểu thuyết Người lang thang; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu năm 1997; Giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao cho tập truyện ngắn Những đám mây hình người năm 2003; Giải A của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007 trao cho tiểu thuyết Đàn trời; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối năm 2008; Giải thưởng văn học Đông Nam Á trao cho tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối năm 2009.[2]
Năm 2017, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Đàn trời (tiểu thuyết); Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện ngắn).[5]
Tác phẩm chính
Tiểu thuyết
- Người lang thang (tiểu thuyết, 1992);
- Cực lạc (tiểu thuyết, 1995);
- Hoa mận đỏ (tiểu thuyết, 1999);
- Đàn trời (tiểu thuyết, 2006);
- Chòm ba nhà (tiểu thuyết, (2009);
- Biệt cánh chim trời (tiểu thuyết)
Truyện ngắn
- Những chuyện ở lũng Cô Sầu (truyện ngắn, 1996);
- Những đám mây hình người (truyện ngắn, 2002);
- Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện ngắn, 2007);
- Hoa bay cuối trời (tập truyện ngắn, 2008);
- Người chợ (truyện ngắn, 2010);
- Non cao rừng thẳm (tập truyện ngắn, 2022).
Vinh danh
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017.
Giải thưởng văn học
- Giải A văn học dân tộc thiểu số Hội nhà văn Việt Nam năm 1993.
- Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997.
- Giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003.
- Giải A của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007.
- Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2008.
- Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2009.
Tham khảo
- ^ a b c Lý Hữu Lương (ngày 15 tháng 4 năm 2022). "Hãy viết bằng tình yêu và trách nhiệm cao nhất với đồng bào, quê hương mình". Văn nghệ quân đội. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b "Nhà văn Cao Duy Sơn". Bảo tàng Văn học Việt Nam. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ Xuân Hùng (ngày 28 tháng 12 năm 2022). "Cao Duy Sơn – Trang văn thấm đượm tình quê". Vanvn.vn. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ Lâm Hạnh (ngày 9 tháng 8 năm 2023). "Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái". Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ "Chủ tịch nước Quyết định trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017". Báo Tổ quốc. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2024.