Chùa Ba Vàng | |
---|---|
Tên tự | Bảo Quang Tự |
Vị trí | |
Toạ độ | 21°04′7,3″B 106°45′51,5″Đ / 21,06667°B 106,75°Đ |
Núi | Thành Đẳng |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Tông phái | Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử |
Tôn kính | Phật giáo |
Người sáng lập | Thiền Sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác |
Trụ trì | Đại đức Thích Trúc Thái Minh |
Trang web | https://chuabavang.com/ |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) là một ngôi chùa tọa lạc ở lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Vị trí địa lý
Chùa nằm trên sườn núi Thành Đẳng, nhìn hướng mặt ra phía Tây là Trung tâm Thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống.[1][2]
Lịch sử
Năm 2007, được sự chấp thuận của chính quyền và sự cho phép của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm), Thầy Thích Trúc Thái Minh nhận trách nhiệm trụ trì chùa Ba Vàng.[3] Ngày 9 tháng 3 năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố khánh thành chùa Ba Vàng.[4][5][6] Ngày 16 tháng 9 năm 2014, chùa Ba Vàng tuyên bố khánh thành Nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm và đại tượng Phật A Di Đà.[7]
Hoạt động từ thiện
Bên cạnh những hoạt động, sự kiện tổ chức tại chùa, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng còn tích cực tham gia các công tác từ thiện và an sinh xã hội chung tay cùng chính quyền giúp đỡ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn.[8][9][10]
Chi nhánh trực thuộc chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng dưới sự trụ trì của Đại đức Thích Trúc Thái Minh đến nay đã phát triển thêm các chùa chi nhánh và chùa trực thuộc:
- Chùa Thiên Lai
- Chùa Diên Phúc[11]
- Chùa Đế Thích[12][13]
Bê bối
Sai phạm trong hoạt động "Thỉnh vong giải oán"
Tháng 3 năm 2019, một số báo chí phản ánh hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn" tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải "trả nợ" cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức cúng dường (công đức) hoặc làm công quả cho nhà chùa.[14] Cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra.[15][16]
Ngày 20 tháng 3 nám 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có công văn số 1710, yêu cầu UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra ngay nội dung việc báo chí phản ánh về chuyện vong báo oán, giải nghiệp tại chùa Ba Vàng.[15]
Ngày 26 tháng 3 năm 2019, Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khu vực phía Bắc tổ chức phiên họp về việc thuyết giảng và tổ chức lễ thỉnh vong "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng và kết luận: Việc trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh để cho Phật tử Phạm Thị Yến pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán đăng đàn thuyết pháp tại chùa Ba Vàng là không đúng. Đại đức Thích Trúc Thái Minh với tư cách trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về sự việc này, yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức lễ thỉnh oan gia trái chủ và quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong GHPGVN trong khi chờ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN.[17] Cùng ngày, UBND phường Quang Trung đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Phạm Thị Yến (SN 1970, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan.[18]
Tổ chức trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" không tuân thủ quy định
Vào tháng 12/2023, đoàn chư tăng của chùa đã đến chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami. Sau đó, chư tăng nhà chùa mời Hòa thượng U Wepulla - trụ trì tu viện Parami cùng các cao tăng Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và đưa xá lợi tóc về Việt Nam. Xá lợi được đưa về chùa Ba Vàng ngày 22/12, đến 27/12 mang về Myanmar. Hàng chục nghìn người dân, phật tử đổ về đây chiêm bái hiện vật được cho là "xá lợi tóc Đức Phật". Chùa Ba Vàng cho hay "Đây là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước".[19] Trong khuôn khổ Đại lễ kính mừng 765 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông đản sinh tại chùa Ba Vàng, hàng nghìn người dân và du khách bất ngờ trước việc xá lợi tóc được cho là của Đức Phật có thể tự chuyển động.[20]
Sau sự việc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, giải trình nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật". Tuy nhiên, nhà chùa khẳng định "xá lợi của Đức Phật" là biểu tượng tôn giáo cao quý và thiêng liêng. Việc tôn kính xá lợi của Đức Phật "là lễ nghi và niềm tin tôn giáo của đạo Phật".[21] Trụ trì chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định không lừa dối Phật tử và những thông tin trái chiều trên mạng xã hội về "xá lợi tóc của Đức Phật" nhằm bôi nhọ chùa Ba Vàng. Về thông tin việc 8 sợi tóc bên chùa Shwedagon (hay còn gọi là chùa Vàng, Myanmar) được bảo quản nghiêm ngặt, chiêm bái từ xa nhưng lại xuất hiện tại chùa Ba Vàng cho nhân dân tới gần chiêm bái, Đại đức Thích Trúc Thái Minh lý giải, cũng chưa khẳng định rằng chùa Shwedagon đó có đủ 8 sợi tóc Đức Phật hay không. Còn tại chùa Parami (Myanmar), sợi tóc được truyền thừa từ đời này sang đời khác, hoà thượng trước viên tịch thì lại truyền cho hòa thượng đời sau và các hòa thượng tin đó là "xá lợi tóc Đức Phật". Về vấn đề mang tóc đi xét nghiệm ADN có phải của Đức Phật không, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết việc xét nghiệm lấy ai làm đối chứng khi Đức Phật đã nhập niết bàn hàng nghìn năm. Cũng theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, các sư thầy bên Myanmar cho biết đây là lần đầu tiên xá lợi tóc của Đức Phật được đưa sang Việt Nam.[22]
Ban Tôn giáo Chính phủ sau đó đã đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" trưng bày tại chùa Ba Vàng; yêu cầu xử lý nghiêm nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến sự việc có sai phạm. Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẽ xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là do trụ trì tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng cuối tháng 12/2023. Công tác quản lý nhà nước và phật giáo Myanmar với "xá lợi tóc Đức Phật" cũng được Đại sứ quán làm rõ.[21]
Tối 2/1/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cho phật tử chiêm bái cái gọi là "xá lợi tóc Phật" chính là hoạt động triển lãm, vì vậy đã vi phạm Nghị định 23/2019 về hoạt động triển lãm. Hoạt động này cũng chưa đúng quy định về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này.[23] UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất video, hình ảnh, tài liệu và gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" trên trang tin của chùa và đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng như các trang mạng xã hội. Thông tin này gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bình thường trên địa bàn.[24]
Chiều 4/1, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía bắc đã có phiên họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, liên quan đến vụ "xá lợi tóc Đức Phật". Phiên họp có xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng về vụ việc trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật". Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" không đúng quy định, đại đức Thích Trúc Thái Minh nhiều lần xuất cảnh không thông báo, vi phạm Luật Tín ngưỡng tôn giáo.[25] Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã sám hối trước chư tôn đức thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật". Hội đồng Trị sự yêu cầu trong vòng 1 năm tới, tuyệt đối không mời các đoàn quốc tế hoạt động giao lưu gì ở chùa Ba Vàng.[24]
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 21/1 ra quyết định cảnh cáo đại đức Thích Trúc Thái Minh do trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" làm ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin Phật giáo. Ngoài bị cảnh cáo, ông Minh phải sám hối trước Thường trực Hội đồng trị sự. Các hình thức kỷ luật này được thông báo tới tất cả ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương trên toàn quốc. Theo Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Ba Vàng tổ chức chiêm bái và truyền thông "xá lợi tóc Đức Phật" bị dư luận xã hội phê phán, tạo ra nhiều thông tin trái chiều. Sự việc này "ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo và uy tín của Giáo hội".[26] Sau đó 5 ngày, UBND TP Uông Bí quyết định xử phạt Đại đức Thích Trúc Thái Minh 7,5 triệu đồng do hoạt động trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" vi phạm quy định về triển lãm.[27]
Tham khảo
- ^ “Chùa Ba Vàng nổi tiếng vì điều gì?”. Báo điện tử Tiền Phong. 23 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ News, VietNamNet. “Báo VietnamNet”. VietNamNet News. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Chùa Ba Vàng: Từ am nhỏ hoang sơ đến công trình Phật giáo đặc biệt”. CHUYÊN TRANG BÁO ĐIỆN TỬ HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/. 26 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Khánh thành 'ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất' VN”. ZingNews.vn. 9 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ vietnamtourism.gov.vn https://vietnamtourism.gov.vn/post/13785. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “Chùa Ba Vàng: 10 năm biến thành nguy nga rộng hàng chục ngàn mét vuông”. Tuổi Trẻ Online. 21 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Đại lễ khánh thành nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm”. Báo Quảng Ninh. 16 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.
- ^ Thương, Báo Công (7 tháng 2 năm 2021). “Chùa Ba Vàng trao tặng bánh chưng tới lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 | Báo Công Thương”. Báo Công Thương điện tử, kinh tế, chính trị, xã hội. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Chùa Ba Vàng trao 1.000 suất quà gửi tới người dân và các em học sinh nghèo vượt khó”. phatgiao.org.vn. 4 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Chùa Ba Vàng trao 25 phần quà hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí”. uongbi.gov.vn. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Diên Phúc - ngôi chùa miền duyên hải xứ Thanh”. phatgiao.org.vn. 4 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Lễ bổ nhiệm sư trụ trì và đúc đại hồng chung chùa Đế Thích”. Báo Nghệ An điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày. 30 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Bổ nhiệm trụ trì và đúc đại hồng chung chùa Đế Thích”. Giác Ngộ Online. 30 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Truyền bá "vong báo oán" ở chùa Ba Vàng: "Nhà chùa làm rất kín, khó phát hiện"”. laodong.vn. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
- ^ a b ONLINE, TUOI TRE (20 tháng 3 năm 2019). “Xác minh chùa Ba Vàng 'thỉnh vong báo oán, giải nghiệp' thu tiền tỉ”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
- ^ “Gọi vong ở chùa Ba Vàng: Những cuộc ngã giá trong "căn phòng cuối"”. laodong.vn. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
- ^ “Sư trụ trì chùa Ba Vàng bị xử lý ra sao sau tai tiếng 'vong báo oán'”. Báo điện tử Tiền Phong. 27 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
- ^ Tinmoi.vn (26 tháng 3 năm 2019). “Vụ 'thỉnh vong báo oán' tại chùa Ba Vàng: Phạt bà Yến 5 triệu đồng, xem xét xử lý hình sự”. Tinmoi.vn. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (10 tháng 1 năm 2024). “Chùa Ba Vàng và sư trụ trì vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
- ^ News, VietNamNet. “Xôn xao clip xá lợi tóc của Đức Phật tự chuyển động tại chùa Ba Vàng”. VietNamNet News (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
- ^ a b VnExpress. “Bộ Ngoại giao đang xác minh nguồn gốc 'xá lợi tóc Đức Phật' tại chùa Ba Vàng”. vnexpress.net. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
- ^ News, VietNamNet. “Trụ trì chùa Ba Vàng nói về 'xá lợi tóc của Đức Phật' gây xôn xao dư luận”. VietNamNet News (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
- ^ VnExpress. “Tỉnh Quảng Ninh: Chùa Ba Vàng trưng bày 'xá lợi tóc Đức Phật' là vi phạm”. vnexpress.net. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
- ^ a b VnExpress. “Trụ trì chùa Ba Vàng phải sám hối vì việc trưng bày 'xá lợi tóc Đức Phật'”. vnexpress.net. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
- ^ thanhnien.vn (4 tháng 1 năm 2024). “Vụ 'xá lợi tóc Đức Phật': Cả trụ trì và chùa Ba Vàng đều bị phạt”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
- ^ VnExpress. “Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị cảnh cáo”. vnexpress.net. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trí, Dân (26 tháng 1 năm 2024). “Trụ trì chùa Ba Vàng bị xử phạt 7,5 triệu đồng”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2024.