Tên người Thái Lan có địa vị chính trị thường bao gồm phần danh xưng và tước hiệu. Các địa vị khác nhau sẽ có danh xưng và tước hiệu khác nhau.
Quốc vương
Các Quốc vương của Thái Lan thường có hai danh xưng chính sau:
- Phrabat Somdej Phra Chao Yu Hua (tiếng Thái: พระบาทสมเด็จพระเจ้าอยู่หัว). Danh xưng này dùng khi vị Quốc vương đã làm lễ đăng quang.
- Somdet Phra Chao Yu Hua (สมเด็จพระเจ้าอยู่หัว). Danh xưng này được dùng tạm thời khi Quốc vương chưa làm lễ đăng cơ.
Ngoài ra, còn có các danh xưng khác dành cho Quốc vương nhưng nay không còn được áp dụng. Chẳng hạn như:
- Phra Rama (พระราม) mà Rama III từng dùng và có giả thuyết rằng cách người phương Tây gọi vua Xiêm là Rama bắt nguồn từ danh xưng này.
- Phra Ratchakan (Ratchakan (รัชกาล) nghĩa là người cai trị và Phra (พระ) dùng để tăng thêm sự tôn kính thành Đấng cai trị). Sau danh xưng Phra Ratchankan có thể thêm con số để thể hiện thế hệ đấng cai trị thứ bao nhiêu. Như Rama VI được gọi là Phra Ratchakan Hok (Hok là 6).
- Baramin (ปรมินทร์) hoặc Baramen (ปรเมนทร์). Là danh xưng do vua tự xưng hoặc dùng khi ký, đặt sau tên của Quốc vương. Các Rama II, IV, VI, VIII dùng danh xưng Baramen. Các Rama I, III, V, VII, IX dùng danh xưng Baramin.
- Somdet Phra (สมเด็จพระ) là danh xưng để gọi các Quốc vương nước ngoài hoặc Quốc vương triều trước (trước triều Chakri).
- Somdet Chakrabat Phra (สมเด็จจักรพรรดิ์พระ) là danh xưng để gọi Nhật hoàng, Hoàng đế Trung Hoa, v.v...
Nội cung của nhà vua[1]
Vương hậu (Phra Akkara Mahesi)
Các vương hậu cùng vương phi Thái đều được gọi chung là vương thê. Đa phần các bà hậu phi này đều là vợ của nhà vua từ khi chưa lên ngôi, xuất thân vương thất, hoặc là công chúa có dòng máu thuần khiết, tức cả cha mẹ đều là hậu duệ vương thất, hoặc là con gái các vị quốc chủ.
Vào thời các vua Rama I và II, các ngài không chỉ định ai vào vị trí vương thê. Dưới thời Rama I, bởi cố sự mâu thuẫn khi trước dẫn đến ly thân của ông với vợ, Thanpuying Nak, nên ông không phong bất kì danh hiệu nào cho bà khi lên ngôi, mọi sự vụ trong nội cung ông giao cho Chao Chom Khamwaeng, một người cung tần được ông sủng ái. Với vua Rama II, ông có 2 người vợ là Chao Pha Bunrod và Chao Pha Kunthon Thipphayawadi, và cả hai người trong suốt thời vua Rama II cũng không nhận được danh hiệu nào. Tuy xét về thân phận, Chao Pha Bunrod địa vị thấp hơn Chao Pha Kunthon Thipphayawadi (do bà chỉ là em họ của đức vua, bà Kunthon là em gái cùng cha), nhưng thực tế ghi nhận thì địa vị của bà Kunthon cũng không cao hơn bà Bunrod (có thể do duyên cố khi trước vua Rama II đã từng hứa sẽ không để người vợ nào cùng con họ có địa vị cao hơn mẹ con bà Bunrod), và cũng chỉ có bà Bunrod được người trong cung gọi bằng danh xưng "Somdet Phra Panwassa" vốn chỉ dùng cho các ngài Hậu. Có thể thấy, việc công nhận hay ban danh hiệu cho ai đều hoàn toàn nằm ở thánh ý các ngài.
Thời vua Rama III ông không có ai tiếp nhận vị trí chính thê mà chỉ có các cung tần. Thời vua Rama IV, 3 người vợ chính của ông chỉ có 2 người nhận danh hiệu vương thê, lần lượt là bà Somanass Waddhanawathy với danh hiệu "Somdet Phranang Nat Boromma Akkarajadevi" (สมเด็จพระนางนาฏบรมอัครราชเทวี) và bà Ramphoei Phamaraphirom với danh hiệu "Somdet Phranang Nat Rajadevi" (สมเด็จพระนางนาถราชเทวี). Riêng Mom Chao Phannarai, mặc dù bà được đảm nhận tư cách chính thê sau khi chị mình qua đời, nhưng suốt cuộc đời bà vẫn không được nhận tước vị của một vương thê, thời vua Rama V, bà được ông nâng lên thành Phra Ong Chao Phannarai.
Từ thời vua Rama VI xuất hiện vương hậu và vương phi không thuộc vương thất, là bà Indrasakdi Sachi. Từ vị trí cung tần với danh hiệu Phra Inthranee, bà được nâng thành vương phi, và sau đó là vương hậu của vua Rama VI, trở thành người duy nhất được nhận ngôi hậu thời Rama VI. Tuy vậy, sau hơn 2 năm ở ngôi hậu, bà bị giáng vị xuống thành Phra Vorarachaya vì hành động ghen tuông làm phật ý đức vua.[2]
Từ thời vua Rama V đến hiện tại, các Vương hậu Thái Lan có các danh xưng là:
- Somdet Phra Nangchao...Phra Boromma Rajininat (สมเด็จพระบรมราชินีนาถ): Đây là danh xưng cao nhất, dành cho các ngài hậu từng được nhiếp chính, trong lịch sử có 2 người nhận danh hiệu này là bà Saovabha Phongsri (Vợ vua Rama V, mẹ hai vua Rama VI và Rama VII) và bà Sirikit (Vợ vua Rama IX, mẹ vua Rama X).
- Somdet Phra Nangchao...Phra Boromma Rajini (สมเด็จพระบรมราชินีนาถ): Danh hiệu chính thức dành cho các ngài hậu, được dùng kể từ thời vua Rama V.
- Somdet Phra Rajini: Đây là danh xưng tạm thời cho Vương hậu khi Quốc vương chưa làm lễ đăng quang.
-
Somdet Phra Nangchao Sri Bajarindra Phra Boromma Rajininat, nhiếp chính dưới thời vua Rama V
-
Somdet Phra Nangchao Sirikit Phra Boromma Rajininat, nhiếp chính dưới thời vua Rama IX
-
Somdet Phra Sri Suriyendra Boromma Rajini
-
Somdet Phra Debsirindra Boromma Rajini
-
Somdet Phra Nangchao Indrasakdi Sachi Phra Boromma Rajini (Bị giáng vị vào năm 1925)
-
Somdet Phra Nangchao Rambhai Barni Phra Boromma Rajini
Vương phi (Phra Mahesi)
Nếu Vương phi xuất thân là công chúa hoặc vương thân, thì xếp theo mức độ cao quý giảm dần sẽ có các danh xưng là:
- Somdet Phra Nangchao...Phra Boromma Rajadevi (สมเด็จพระบรมราชเทวี): Đây là danh xưng cao quý nhất. Trước thời Quốc vương Chulalongkorn, danh xưng này chỉ áp dụng cho các vị Vương hậu (Phra Akkhara Mahesi). Bà Sunandha Kumariratana (với danh nghĩa truy tặng) cùng bà Savang Vadhana là 2 người đầu tiên được nhận danh hiệu này.
- Somdet Phra Nangchao...Phra Akkhara Rajadevi (สมเด็จพระอัครราชเทวี): Đây là danh hiệu mà bà Saovabha Phongsri đựoc nhận, với tư cách là mẹ của tân Thái tử Xiêm, Vajiravudh. Địa vị đồng cấp với chị gái ruột của bà, Savang Vadhana, người vốn nhận danh hiệu Somdet Phra Nangchao Phra Boromma Rajadevi trước đó.
- Phra Nangchao Phra Rajathevi (พระนางเจ้า...พระราชเทวี) hoặc Phra Nangchao Phra Akkara Rajathevi (พระนางเจ้า...พระอัครราชเทวี)
- Phra Nang Ther (พระนางเธอ)
- Phra Akkara Chaya Ther (พระอัครชายาเธอ)
- Phra Racha Chaya (พระราชชายา)
Đối với vương thân, có những trường hợp các bà vương phi được hưởng danh xưng kèm với tư cách vương thân, ví dụ như Phra Akkara Chaya Ther Phra Ong Chao Saisavali Bhiromya, vương phi của vua Rama V.
Cũng có trường hợp công chúa ngoại quốc được nâng lên cấp bậc này, đó là bà Dara Rasmi, vương phi của vua Rama V. Bà vốn là công chúa của Chiang Mai, từ Chao Chom Manda Dara Rasmi, bà được nâng thành Chao Chom Manda Dara Rasmi Phra Racha Chaya, là người thứ 5 trong năm bà vương thê cuối thời Rama V (lần lượt theo thứ tự địa vị cao nhất: Saovabha Phongsri, Savang Vadhana, Sukhumala Marasri, Saisavali Bhiromya và Dara Rasmi)
- Ba chị em ruột nhà Ladavalya cùng là Phra Akkara Chaya Ther dưới thời vua Rama V
-
Phra Akkara Chaya Ther Phra Ong Chao Ubolratana Narinaga, nhũ danh Mom Chao Bua Ladavalya.
-
Phra Akkara Chaya Ther Phra Ong Chao Saovabhark Nariratana, nhũ danh Mom Chao Piu Ladavalya.
-
Phra Akkara Chaya Ther Phra Ong Chao Saisavali Bhiromya, nhũ danh Mom Chao Sai Ladavalya.
Cung tần (Phra Sanom)
Các bà cung tần, hoặc cung thiếp, họ có xuất thân khá đa dạng: con cháu tiên vương nhưng thuộc nhánh xa (như Chao Chom Manda Mom Rajawongse Khae Phuengbun, cung tần của vua Rama V), công chúa ngoại quốc, hoặc vốn là cung nhân hoặc cung tỳ được sủng hạnh, nhưng chủ yếu là quý tộc bản địa cùng dân thường. Họ được chia thành 4 cấp bậc danh phận là: Phra Sanom Ed (พระสนมเอก), Phra Sanom Tho (พระสนมโท), Chao Chom Yu Ngan (เจ้าจอมอยู่งาน) và Naksanom (นักสนม), còn gọi là Nang Yu Ngan (นางอยู่งาน), các cấp bậc này được phân biệt dựa theo số lượng cùng chất liệu của các đồ vật được ban cho như hộp đựng trầu, mâm đựng, trang sức,...
Các bà cung tần có các danh xưng sau từ cao đến thấp:
- Chao Khun Phra (เจ้าคุณพระ): Tước hiệu đặc biệt dành cho bà trưởng cung tần có thâm niên và danh phận cao, trên tất cả các cung tần triều trước và đương triều. Hiện nay có bà Sineenat Wongvajirapakdi (nhũ danh Niramon Aunprom), cung tần của vua Rama IX được ban danh hiệu này. Chao Khun Phra Prayurawong là người đầu tiên nhận danh hiệu này bởi vua Rama VI với tư cách cung tần tiền triều do là người có tư lịch và đức hạnh cao. Bà vốn là Mom Pae của vua Rama V trước khi ông lên ngôi, được giữ vị trí trưởng cung tần (Phra Sanom Ed) đứng đầu các bà cung tần của đức vua.
- Phra (พระ): Tước hiệu được sử dụng lần đầu dưới thời vua Rama VI, dành cho cung tần của quốc vương giữ vị trí trưởng cung tần cao quý nhất (Phra Sanom Ed)
- Chao Khun Chom Manda (เจ้าคุณจอมมารดา): xuất hiện dưới thời vua Rama V để ban cho trưởng cung tần của ông là Chao Khun Chom Manda Pae Bunnag (sau được nâng thành Chao Khun Phra Prayurawong), cùng hai bà cung tần triều trước là Chao Khun Chom Manda Piam và Chao Khun Chom Manda Samli của vua Rama IV.
- Chao Chom Manda (เจ้าจอมมารดา) dành cho các bà cung tần sinh được con cho Quốc vương (Manda có nghĩa là mẹ).
- Chao Chom (เจ้าจอม)
-
Chao Chom Manda Dara Rasmi Phra Racha Chaya, công chúa vùng Chiang Mai, vuơng phi của vua Rama V.
-
Phra Nang Ther Lakshamilavan, nhũ danh Mom Chao Wanphimon Worawan, vương phi của vua Rama VI.
-
Phra Nangchao Suvadhana Phra Vorarachdevi, nhũ danh Khrueakaew Abhayavongsa, vương phi của vua Rama VI. Bà sinh cho ông người con duy nhất, Chao Pha Bejaratana Rajasuda.
-
Chao Khun Phra Prayurawong, nguyên là Chao Khun Chom Manda Pae Bunnag dưới thời vua Rama V.
-
Phra Sucharit Suda, cung tần đầu tiên của vua Rama VI, đồng thời là chị gái của bà Indrasakdi Sachi.
Vương tử/Công chúa
Nếu Vương tử và Công chúa con vua có mẹ cũng thuộc vương thất thì được nhận danh xưng là Somdet Chao Pha, gọi ngắn Chao Pha. Trong đó, những Vương tử và Công chúa do Vương hậu hoặc Vương thê bậc cao (có xuất thân là con gái quốc chủ) sinh ra thì được gọi là Chao Pha Chan Ed (เจ้าฟ้าชั้นเอก) hoặc Somdet Chao Pha Chan Tulkramom (สมเด็จเจ้าฟ้าชั้น ทูลกระหม่อม), tục xưng Tulkramom kèm tên thường gọi (ví dụ vua Rama VI khi còn là vuơng tử được gọi là Tulkramom To). Những Vương tử và Công chúa do Vương thê có xuất thân hàng Mom Chao hoặc là con gái của vua nước chư hầu sinh ra được gọi là Chao Pha Chan Tho (เจ้าฟ้าชั้นโท) hoặc Somdet Chao Pha Chan Somdet (สมเด็จเจ้าฟ้าชั้น สมเด็จ), tục xưng Somdet kèm tên thường gọi (Ví dụ Chao Pha Yugala Dighambara, con trai vua Rama V với Mom Chao Bua Ladavalya được gọi là Somdet Chai). Những Vương tử và Công chúa khác cũng được xưng Chao Pha với thân phận ngoài hai nhóm trên được gọi là Chao Pha Chan Tri (เจ้าฟ้าชั้นตรี).
Nếu Vương tử và Công chúa con vua do phi tần xuất thân từ tầng lớp quý tộc hoặc bình dân sinh ra thì được gọi là Phra Ong Chao Chan Luk Luang (พระองค์เจ้าชั้นลูกหลวง), gọi ngắn Phra Ong Chao, xưng Phra Ong Chai nếu là con trai và Phra Ong Ying nếu là con gái. Các cháu nội của Quốc vương do các Chao Pha với các bà vợ Mom Chao trở lên sinh ra cũng được hưởng danh xưng là Phra Ong Chao.
Các cháu nội của Quốc vương do các Chao Pha với phụ nữ xuất thân bình dân sinh ra thì gọi là Mom Chao nếu là con trai và Mom Chao Ying nếu là con gái. Con của các vương thân cấp Phra Ong Chao cũng được gọi là Mom Chao hoặc Mom Chao Ying. Đây là danh xưng thấp nhất của người thuộc vương thất.
Con cháu của các Mom Chao không còn được coi là người của hoàng tộc nữa. Nhưng họ vẫn được ban các danh xưng để thể hiện nguồn gốc của mình, như:
- Mom Rajawongse (หม่อมราชวงศ์): danh xưng dành cho con của các Mom Chao.
- Mom Luang (หม่อมหลวง): danh xưng dành cho có cha là Mom Rajawongse.
Đến hàng con của các Mom Luang thì không còn danh xưng nữa, nhưng vẫn có thể thêm vào họ của mình chữ "Na Ayutthaya"(ณ อยุธยา).
Vương tử phi[3]
Với vợ của các Vương tử, nếu họ thuộc hàng Chao Pha hoặc Phra Ong Chao thì được nhận danh xưng là Phra Chaya (พระ ชายา), nếu họ thuộc hàng Mom Chao thì được nhận danh xưng là Chaya (ชายา). Để được hai danh xưng này thì bản thân người phụ nữ phải xuất thân từ vương thất. Vợ của các Phó vương (Maha Uparaj) cũng nhận danh xưng tương tự, riêng bà trưởng phi có thể gọi bằng danh xưng Phra Akkara Chaya (พระอัครชายา), tuy vậy danh xưng này chỉ có mỗi chính thất của phó vương Maha Sura Singhanat, bà Chao Krok Sri Anocha Phra Akkara Chaya Ther là từng được hưởng.
Có một trường hợp đặc biệt là vợ của các vương tử, nếu họ chỉ là thường dân nhưng có con gái trở thành vương thê của đức vua, thì họ sẽ được nhận danh hiệu Chao Chom Manda, như:
- Chao Chom Manda Ngiu: Nguyên là Mom Ngiu, vợ của Phra Ong Chao Lakkhananukun, con trai vua Rama III. Con gái duy nhất của bà là Mom Chao Somanass, tức Somdet Phra Nangchao Somanass Waddhanawathy, trở thành vương thê của vua Rama IV.
- Chao Chom Manda Chin: Nguyên là Mom Chin, vợ của Kromma Muen Bhuminthra Phakdi, con trai vua Rama III. Bà có ba con gái lần lượt trở thành vương phi của vua Rama V là Mom Chao Bua Ladavalya, Mom Chao Piu Ladavalya và Mom Chao Sai Ladavalya.
Riêng vợ của Thái tử người kế vị sẽ có danh xưng xuất hiện vào thời vua Rama IX là Phra Vorachaya (พระวรชายา), toàn xưng Phra Chao Vorawongse Ther Phra Ong Chao...Phra Vorachaya, ví dụ Phra Ong Chao Soamsawali Phra Vorachaya cùng Phra Ong Chao Srirasmi Phra Vorachaya, hai người vợ cũ của thái tử Vajiralongkorn (tức vua Rama X).
-
Chao Krok Sri Anocha, Phra Akkara Chaya của phó vương Maha Sura Singhanat.
-
Phra Ong Chao Chalermkhetra Mongkol, Phra Chaya của Chao Pha Yugala Dighambara.
-
Mom Chao Prasongsom Boriphat (Nhũ danh Chaiyant), Chaya của Chao Pha Paribatra Sukhumbandhu.
Còn nếu Vương tử phi là người có xuất thân bình dân hoặc ngoại quốc thì chỉ được gọi là Mom (หม่อม) kèm với tên chồng cùng cụm "Na Ayutthaya"(ณ อยุธยา), ví dụ Mom Katharine Chakrabongse na Ayutthaya (nhũ danh Desnitski), vợ cũ của Chao Pha Chakrabongse Bhuvanath (Hai người li dị vào năm 1919), và Mom Elizabeth Rangsit na Ayutthaya (nhũ danh Scharnberger), vợ của Phra Ong Chao Rangsit Prayurasakdi. Trong trường hợp vị vương thân đó đã có cấp bậc Krom từ trước khi kết hôn, thì người vợ thường dân của các vị này có thể được gọi là Mom kèm vinh hiệu của chồng, như Mom Paew Nakhon Ratchasima (nhũ danh Suddhiburana), vợ của Chao Pha Asdang Dejavudh, Kromma Luang Nakhon Ratchasima. Ông được ban tước hiệu năm 1898, trước khi kết hôn cùng Mom Paew vào năm 1916.
-
Mom Katharine Chakrabongse na Ayutthaya, vợ đầu của Chao Pha Chakrabongse Bhuvanath.
-
Mom Elizabeth Rangsit na Ayutthaya, vợ của Phra Ong Chao Rangsit Prayurasakdi.
-
Mom Paew Nakhon Ratchasima cùng Chao Pha Asdang Dejavudh, Kromma Luang Nakhon Ratchasima.
Các danh xưng cũ cho quý tộc và quan lại
- Somdet Chao Phraya (สมเด็จเจ้าพระยา) là danh xưng cao nhất cho quan lại. Những người được tước này thường là người có công lớn và trong một vài trường hợp đặc biệt. Trong lịch sử, mới có bốn người có danh xưng này và người đầu tiên trong số đó chính là vua Rama I khi ông còn là bề tôi của vua Taksin. Ba người còn lại gồm Somdet Chao Phraya Borom Maha Prayurawongse (Dit Bunnag), Somdet Chao Phraya Borom Maha Phichaiyati (That Bunnag) và Somdet Chao Phraya Borom Maha Sri Suriwongse (Chuang Bunnag).
- Chao Phraya (เจ้าพระยา) là tước hiệu phổ biến cao nhất cho quan lại. Thường thì chỉ có các đại thần (bộ trưởng) mới được ban tước hiệu này. Sử Việt hay gọi là Chiêu Phi Nhã.
- Phraya (พระยา) là tước hiệu thấp hơn Chao Phraya. Sử Việt hay gọi là Phi Nhã.
- Phra (พระ) là tước hiệu thấp hơn Chao Phraya. Tương đương với tước này có Jamuen (จมื่น) hoặc Phra Nai (พระนาย) nhưng chỉ áp dụng cho người hầu nam cao nhất của vua.
- Các tước hiệu thấp nữa hơn lần lượt là Luang (หลวง), Khun (ขุน), Muen (หมื่น), Pan (พัน). Thấp nhất là Nai (นาย)
-
Somdet Chao Phraya Maha Kasatsuek (Thongduang), sau trở thành vua Rama I.
-
Somdet Chao Phraya Borom Maha Prayurawongse (Dit Bunnag), nhiếp chính dưới thời vua Rama IV.
-
Somdet Chao Phraya Borom Maha Phichaiyati (That Bunnag), đồng nhiếp chính dưới thời vua Rama IV.
-
Somdet Chao Phraya Borom Maha Sri Suriwongse (Chuang Bunnag), nhiếp chính vào đầu thời vua Rama V.
Hệ thống cấp bậc Krom
Các nhân vật thuộc vương thất Thái (Hoàng tử, công chúa hoặc các vương thân) đặc biệt còn có thể nhận tước hiệu trong hệ thống cấp bậc tước hiệu Krom (กรม). Hiện nay, kể từ sau cách mạng Xiêm năm 1932, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, tước hiệu quý tộc bị dần bỏ, chỉ có các dịp rất hiếm quốc vương mới nâng một vài thành viên lên hệ thống cấp bậc này. Như năm 1995, vua Rama IX đã nâng tước hiệu của Chao Pha Galyani Vadhana, chị gái ông lên thành Kromma Luang Naradhiwas Rajanagarindra nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của bà.[4]
Thông thường, các tước hiệu cấp bậc Krom này sẽ ghép thành hậu tố kèm với danh xưng cùng tên hoặc phong hiệu của vị vương thân đó, ví dụ danh hiệu đầy đủ của Chao Pha Galyani Vadhana, chị gái vua Rama IX là: Somdet Phra Chao Pheenang Ther Chao Pha Galyani Vadhana Kromma Luang Naradhiwas Rajanagarindra. Ngoài ra, danh hiệu của các vương thân khi đọc cùng tước hiệu này có thể được lược bỏ phần Chao Pha/Phra Ong Chao, ví dụ Somdet Phra Chao Boromawong Ther Krom Phraya Damrong Rajanubhab (nguyên là Phra Ong Chao Tisavarakumara). Khi ghép vào thành một tước hiệu, thông thường các cụm Krom này sẽ phát âm thành Kromma, như Krom Luang thành Kromma Luang (trừ Krom Praya cùng Krom Somdet Phra vẫn giữ nguyên)
Thời Rama V, ông tiếp nhận cách gọi tước hiệu kèm địa danh một vùng đất của các quốc gia phương Tây (như The Duke of Kent) và áp dụng vào hệ thống cấp bậc Krom cùng mỹ hiệu dùng để phong cho các con ông thay vì chỉ mỹ hiệu dài như trước. Ví dụ có Kromma Luang Si Rattanakosin, trong đó Rattanakosin chính là tên địa danh thủ đô Rattanakosin nơi thành lập nhà Chakri, hay Kromma Khun Suphan Bhakvadi, con gái vua Rama V, tước hiệu của bà được phiên qua tiếng Anh thành Princess of Suphanburi, với tỉnh Suphanburi, cùng Krom Phraya Chai Nat Narendon, với Chai Nat là tỉnh Chai Nat đều thuộc miền Trung Thái Lan.
Gồm có 6 cấp bậc trong hệ thống này:
Somdet Krom Phra hoặc Somdet Phra (สมเด็จพระ)
Là cấp bậc cao nhất, dành cho các vị vương thê bậc cao, vương mẫu của nhà vua và phó vương (Maha Uparaj), hoặc các nhân vật khác. Dưới thời Rama VI, ông đã thay hẳn Somdet Krom Phra (hoặc Krom Somdet Phra) thành Somdet Phra. Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
Vương mẫu:
- Somdet Phra Amarindra Boromma Rajini: Nguyên là Thanpuying Nak, vợ vua Rama I, mẹ sinh vua Rama II. Tước hiệu ban đầu được vua Rama II dâng là Krom Somdet Phra Amarindramat, thời vua Rama VI đổi lại thành Somdet Phra Amarindra Boromma Rajini. Bà nổi tiếng vì tính khí ghen tuông của mình, đến nỗi xảy ra xung đột với vua Rama I khi ông còn là Somdet Chao Phraya và ông đã dọa giết bà bằng kiếm. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của Por Chim, con trai lớn của bà, bà chuyển đến cung điện cũ ở Thonburi và sống ly thân trong suốt thời gian vua Rama I trị vì, không được nhận bất kỳ danh hiệu nào
- Somdet Phra Sri Suriyendra Boromma Rajini: Nguyên là Chao Pha Bunrod, con gái của Krom Phra Srisudarak, chị gái vua Rama I. Bà là vợ của vua Rama II, gọi ông là anh họ và là mẹ của vua Rama IV cùng phó vương Pinklao. Bà mất trước khi vua Rama IV lên ngôi và được dâng hiệu Krom Somdet Phra Sri Suriyendramat, thời vua Rama VI đổi lại thành Somdet Phra Sri Suriyendra Boromma Rajini.
- Somdet Phra Sri Sulalai: Nguyên là Chao Chom Manda Riam dưới thời vua Rama II, mẹ sinh vua Rama III. Sau khi vua Rama II qua đời, con trai bà, Kromma Muen Chetsadabodin được lập thay vì Tulkramom Pha Yai (vua Rama IV), con trai trưởng của bà vương thê Chao Pha Bunrod, do ông đã có nhiều kinh nghiệm xử lý sự vụ dù chỉ là con của cung tần. Bà được tôn làm Krom Phra Sri Sulalai, sau vua Mongkut lên ngôi nâng thành Krom Somdet Phra Sri Sulalai, thời vua Rama VI đổi thành Somdet Phra Sri Sulalai.
- Somdet Phra Debsirindra Boromma Rajini: Nguyên là Mom Chao Ramphoei Siriwong, con gái Kromma Muen Mattayaphithak (con trai vua Rama III), vợ vua Rama IV và mẹ của vua Rama V. Bà cùng em gái, Mom Chao Chae Siriwong vào hầu vua Rama IV sau khi vợ đầu của ông, Somdet Phra Nangchao Somanass Waddhanawathy qua đời. Bà mất trước khi vua Rama V lên ngôi và đựoc ông dâng hiệu Krom Somdet Phra Debsirindra, thời vua Rama VI đổi lại thành Somdet Phra Debsirindra Boromma Rajini. Ngôi chùa Wat Debsirin và trường Debsirin (hoặc Thepsirin) nổi tiếng do vua Rama V xây dựng nhằm tưởng nhớ mẹ mình.
- Somdet Phra Sri Bajarindra Boromma Rajini: Chính hậu và cũng là em gái khác mẹ của vua Rama V, mẹ sinh vua Rama VI và vua Rama VII. Bà là người đầu tiên được nhận danh hiệu Somdet Phra Nangchao Phra Boromma Rajininat, nhận nhiệm vụ nhiếp chính khi vua Rama V vắng mặt trong chuyến công du châu Âu. Bà chủ trương phát triển học vấn nữ giới, cho xây dựng trường nữ sinh Rajini, tọa lạc tại quận Phra Nakhon, Bangkok, là một trong những ngôi trường lâu đời tại Thái Lan.
- Somdet Phra Srinagarindra Boromma Ratchachonnani: Nhũ danh Sangwan Talapat, vợ của Chao Pha Mahidol Adulyadej, Kromma Luang Songkla Nakarin, mẹ sinh hai vua Rama VIII và vua Rama IX cùng Chao Pha Galyani Vadhana.

Phó Vương (Tiền cung):
- Somdet Phra Bowararat Chao Maha Sura Singhanat: Em trai và đồng thời là phó vương (Maha Uparaj) dưới thời vua Rama I. Sau khi ông qua đời, cháu trai gọi bằng chú của ông (con của vua Rama I), Kromma Luang Itsarasunthon kế nhiệm ông thành phó vương mới
- Somdet Phra Bowararat Chao Maha Senanurak: Em trai và đồng thời là phó vương dưới thời vua Rama II
- Somdet Phra Bowararat Chao Maha Sakdiphonlasep: Em trai khác mẹ của vua Rama II, chú và đồng thời là phó vương Maha Uparaj) dưới thời vua Rama III.
Krom Phraya (กรมพระยา)
Đây là cấp bậc cao nhất mà một hoàng tử hoặc vương thân nhận được.
Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
- Krom Phraya Chai Nat Narendon: Phra Ong Chao Rangsit Prayurasakdi, con trai vua Rama V, là người nhận cấp bậc Krom cao nhất trong những người con được nhận tước hiệu của vua Rama V. Khi còn sống, tước hiệu của ông là Krom Phra Chai Nat Narendon, tước hiệu Krom Phraya do vua Rama IX truy tặng sau khi ông mất vào năm 1951.
- Krom Phraya Narisara Nuwattiwong: Chao Pha Chitcharoen, con trai vua Rama IV.
- Krom Phraya Damrong Rajanubhab: Phra Ong Chao Tisavarakumara, con trai vua Rama IV, người sáng lập ra hệ thống giáo dục hiện đại của Thái Lan cũng như chính quyền tỉnh hiện đại.
- Krom Phraya Sudaratana Rajaprayoon: Nguyên là Mom Chao Ying Lamom, con gái vua Rama III, em gái ruột của Kromma Muen Matayaphithak (ông ngoại vua Rama V). Bản thân vua Rama V rất tôn trọng bà vì bà đã nuôi dưỡng ông từ nhỏ sau khi mẹ ông qua đời. Khi bà mất, ông đã cho cử hành tang nghi của bà theo lễ của bậc Vương mẫu.
- Krom Phraya Devawongse Varopakarn: Phra Ong Chao Devan Udayawongse, con trai vua Rama IV, anh trai ruột của ba bà vương thê bậc cao thời Rama V (Sunanda Kumariratana, Savang Vadhana và Saovabha Phongsri).
-
Krom Phraya Sudaratana Rajaprayoon
-
Krom Phraya Damrong Rajanubhab
-
Krom Phraya Devawongse Varopakarn
-
Krom Phraya Chai Nat Narendon
Krom Phra (กรมพระ)
Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
- Kromma Phra Nakhon Sawan Worapinich: Chao Pha Paribatra Sukhumbandhu, con trai vua Rama V, một nhân vật có tầm ảnh hưởng thời vua Rama VI và vua Rama VII. Sau Cách mạng Xiêm 1932, ông và gia quyến bị buộc phải sống lưu vong và qua đời tại Tây Java, Indonesia.
- Kromma Phra Chanthaburi Narunath: Phra Ong Chao Kitiyakara Voralaksana, con trai của vua Rama V. Ông là ông nội của vương thái hậu Sirikit.
- Kromma Phra Srisudaratana: Chị gái của vua Rama I, mẹ của Chao Pha Bunrod (Somdet Phra Sri Suriyendra Boromma Rajini, vợ chính của vua Rama II)
- Kromma Phra Chakkrabatradipongse: Chao Pha Chaturonrasmi, con trai của vua Rama IV, em trai ruột vua Rama V.
- Kromma Phra Svastivatana Visishtha: Phra Ong Chao Svasti Sobhana, con trai của vua Rama IV, cha của vương hậu Rambhai Barni (vợ vua Rama VII).
- Kromma Phra Suddhasininat Piyamaharaj Padivaradda: Phra Ong Chao Saisavali Bhiromya, vương phi của vua Rama V, tước hiệu Kromma Phra do vua Rama VII nâng lên.
-
Kromma Phra Chanthaburi Narunath
-
Kromma Phra Svastivatana Visishtha
-
Kromma Phra Nakhon Sawan Worapinich
Krom Luang (กรมหลวง)
Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
- Kromma Luang Wisutthikasatri: Chao Pha Chandrmondol Sobhon Bhagiawati, con gái vua Rama IV, em gái cùng mẹ vua Rama V. Nguyên mẫu nhân vật Princess Fah-Ying trong phim Anna and the King. Bà mắc bệnh tả và qua đời khi mới 8 tuổi, tước hiệu được ban khi anh trai bà lên ngôi vua năm 1867.
- Kromma Luang Sri Rattanakosin: Chao Pha Suddha Dibyaratana, vương nữ đích xuất lớn nhất của vua Rama V. Sau khi vua cha qua đời, bà sống cùng mẹ và em trai, Chao Pha Paribatra Sukhumbandhu tại cung điện Bang Khum Phrom, nơi được ban làm tư dinh của em trai bà. Bà mắc nhiều bệnh và mất năm 1922, trước mẹ cùng em trai mình vì bệnh lao phổi, lúc 44 tuổi.
- Kromma Luang Chumphon Khet Udomsak: Phra Ong Chao Abhkara Kiartivongse, con trai vua Rama V, cha đẻ, người thành lập Hải quân Hoàng gia Thái.
- Kromma Luang Phitsanulok Prachanath: Chao Pha Chakrabongse Bhuvanath, con trai vua Rama V, em trai và cũng là trữ quân lâm thời của vua Rama VI.
- Kromma Luang Lopburi Ramet: Chao Pha Yugala Dighambara, con trai vua Rama V.
- Kromma Luang Phetchaburi Rajasirindorn: Chao Pha Valaya Alongkorn, con gái vua Rama V, chị gái cùng mẹ của Chao Pha Mahidol Adulyadej (cha của vua Rama VIII và Rama IX).
- Kromma Luang Songkla Nakharin: Chao Pha Mahidol Adulyadej, con trai vua Rama V, cha của hai vua Thái: Rama VIII và Rama IX.
- Kromma Luang Sukkhothai Thammaracha: Tước vị của vua Rama VII trước khi lên ngôi.
- Kromma Luang Rak Ronnaret: Nguyên là Phra Ong Chao Kraisorn, con trai vua Rama I. Dưới thời cháu là vua Rama III, ông bị kết tội vì hành xử ngông cuồng và có quan hệ bất chính với các nam diễn viên trong đoàn kịch Khon của ông. Cuối cùng, ông bị lột hết tước vị và xử tử bằng cách đánh bởi gậy gỗ đàn hương (một cách xử tử dành riêng cho người thuộc vương thất), con cháu ông lẫn bản thân ông bị giáng từ Mom Chao xuống thành Mom.
-
Kromma Luang Sri Rattanakosin
-
Kromma Luang Phitsanulok Prachanath
-
Kromma Luang Phetchaburi Rajasirindorn
Krom Khun (กรมขุน)
Đây là cấp bậc cơ bản mà một thành viên vương thất thuộc hàng Chao Pha được nhận.
Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
- Kromma Khun Srisunthon: Chao Pha Pikulthong, con gái của phó vương (Maha Uparaj) Maha Sura Singhanat với chính thất Chao Sri Anocha. Một trong hai vị Chao Pha Wang Na (Đích tử/nữ Tiền cung) duy nhất của vương quốc Rattanakosin (Người kia là Chao Pha Isarapong, con trai duy nhất của phó vương Maha Sakdiphonlasep với chính thất Phra Ong Chao Daravadee).
- Kromma Khun Phinit Prachanat: Tước vị của vua Rama V trước khi lên ngôi.
- Kromma Khun Debdvaravati: Tước vị của vua Rama VI trước khi được lập làm Thái tử Xiêm.
- Kromma Khun Suphan Bhakvadi: Phra Ong Chao Srivilailaksana, con gái vua Rama V. Một trong hai người con được sinh ra trước khi vua Rama V lên ngôi, bà được vua cha yêu thương hết mực và đặc cách ban tước hiệu Kromma Khun vốn dành cho con của vương thê sinh ra (vì mẹ bà chỉ là cung tần).
- Kromma Khun Uthongket Khattiyanari: Chao Pha Nibha Nobhadol, con gái vua Rama V. Bà là người con gái cuối cùng của vua Rama V được nhận tước hiệu Krom. Sau cách mạng Xiêm, bà quyết định rời Xiêm để đến Tây Java, Indonesia và sống cùng gia đình người anh khác mẹ, Chao Pha Paribatra Sukhumbandhu đến khi mất.
- Kromma Khun Khattiyakanlaya: Chao Pha Kannika Kaew, con gái vua Rama IV. Bà và em trai cùng mẹ là Chao Pha Chitcharoen được anh trai, vua Rama V nâng từ hàng Phra Ong Chao thành Chao Pha do mẹ hai người, Phra Ong Chao Phannarai là em gái khác mẹ của Krom Somdet Phra Debsirindra (mẹ sinh vua Rama V). Tước hiệu này được ban sau khi bà qua đời.
-
Kromma Khun Khattiyakanlaya
-
Kromma Khun Suphan Bhakvadi
-
Kromma Khun Uthongket Khattiyanari
Krom Muen (กรมหมื่น)
Đây là cấp bậc cơ bản mà một thành viên vương thất thuộc hàng Phra Ong Chao được nhận.
Những nhân vật từng được nhận cấp bậc này:
- Kromma Muen Jessadabodin: Tước hiệu của vua Rama III trước khi lên ngôi.
- Kromma Muen Apsarasudathep: Phra Ong Chao Vilas, con gái vua Rama III. Bà là con gái thành niên lớn nhất, cũng là người con gái được ông yêu thương nhất.
- Kromma Muen Phichai Mahinthrodom: Phra Ong Chao Benbadhanabongse, con trai vua Rama V.
- Kromma Muen Suddhanarinatha: Phra Ong Chao Soamsawali, vợ đầu của vua Rama X khi ông còn là Thái tử. Sau khi hai người li dị năm 1991, bà được nhận danh hiệu Phra Worarachathinatdamat với tư cách là thân mẫu của trưởng tôn nữ của đức vua. Năm 2019, bà được nhận tước hiệu Kromma Muen bởi vua Rama X.
- Kromma Muen Chanthaburi Suranath: Nguyên là Mom Chao Nakkhatra Mangala Kitiyakara, con trưởng của Phra Ong Chao Kitiyakara Voralaksana, Kromma Phra Chanthaburi Narunath (con trai của vua Rama V). Ông là cha của vương thái hậu Sirikit.
-
Kromma Muen Chanthaburi Suranath
-
Kromma Muen Suddhanarinatha
Tham khảo
- ^ "พระยศเจ้านายไทย", วิกิพีเดีย (bằng tiếng Thái), ngày 29 tháng 3 năm 2025, truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2025
- ^ "สมเด็จพระนางเจ้าอินทรศักดิศจี พระวรราชชายา", วิกิพีเดีย (bằng tiếng Thái), ngày 3 tháng 3 năm 2025, truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2025
- ^ "พระยศเจ้านายไทย", วิกิพีเดีย (bằng tiếng Thái), ngày 29 tháng 3 năm 2025, truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2025
- ^ "การเฉลิมพระยศเจ้านาย", วิกิพีเดีย (bằng tiếng Thái), ngày 8 tháng 9 năm 2024, truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2025
Bài này được dịch từ phiên bản tiếng Anh. Tài liệu tham khảo cho phiên bản tiếng Anh đó đến thời điểm ngày 22 tháng 10 năm 2008 như sau.
- Jones Robert B., 1971, Thai Titles and Ranks, Including a Translation of Royal Lineage in Siam by King Chulalongkorn, Data Paper No. 81. Ithaca: Southeast Asia Program, Department of Asian Studies, Cornell University
- Finestone Jeffrey, 1989, The Royal Family of Thailand: The Descendants of King Chulalongkorn
- Rabibhadana M.R. Akin, 1996, The Organization of Thai Society in the Early Bangkok Period 1782 - 1873
- Foreign Correspondents' Club of Thailand, 2007, The King of Thailand in World Focus