Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam | |
Kiểu tổ chức | Tổ chức xã hội |
---|---|
Thành lập | 23 tháng 11 năm 1946 (77 năm, 350 ngày) |
Trụ sở | Số 82 phố Nguyễn Du, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội |
Nguồn gốc | Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Khu vực hoạt động | Việt Nam |
Khẩu hiệu | Đổi mới vì sự phát triển bền vững |
Trang web | www |
Giới thiệu về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Lịch sử Hội chữ thập đỏ Việt Nam |
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội quần chúng, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, theo Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều lệ và nguyên tắc cơ bản tương tự của Phong trào Chữ thập đỏ là Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có tên gọi ban đầu là Hội Hồng Thập Tự Việt Nam. Hội được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1946.
Lịch sử
Miền Bắc
Ngày 23/11/1946, Đại hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã họp tại đình Thanh Ấm, Vân Đình, Ứng Hòa tỉnh Hà Đông (Hà Tây cũ), chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đây chính là tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, một tổ chức với tôn chỉ công tác nhân đạo của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự và bầu bác sĩ Vũ Đình Tụng là Hội trưởng, tương đương các Chủ tịch sau này[1].
Miền Nam
Ở vùng do Quốc gia Việt Nam kiểm soát, Hội Hồng thập tự có chi bộ riêng mang tên Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, do bác sĩ Hồ Văn Nhựt thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1951.[2] Chi bộ này sau đó do Việt Nam Cộng hòa thừa kế cho đến năm 1976, mang tên Hội Hồng Thập Tự Việt Nam Cộng hòa. Tổ chức này phát triển, tính đến năm 1970 có 40 phân bộ, trong số 44 tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.[3]
Trong khi đó, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, ngày 27/2/1961, tổ chức Hồng thập tự giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội, và sau đó là Giáo sư Nguyễn Văn Thủ làm Chủ tịch Hội Hồng thập tự Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1973-1976)[1].
Biểu tượng và biểu trưng[4]
Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được xây dựng trên nền tảng “chữ thập đỏ trên nền trắng” - biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - kết hợp cùng các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ “Chữ thập đỏ Việt Nam”.
Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thể hiện nét trang trọng, đẹp, có tính tôn vinh, cổ vũ hoạt động Chữ thập đỏ. Trung tâm Biểu trưng là Biểu tượng Chữ thập đỏ. Bao lấy hình tượng trung tâm là 2 cành tre cách điệu nằm trong 2 vòng tròn như hai vòng ôm che chở, làm nổi bật hình tượng Chữ thập đỏ, thể hiện sự chung sức, chung lòng vì hoạt động nhân đạo. Lá tre màu xanh đậm thể hiện sự tươi xanh, cũng là hình ảnh đặc trưng rất gần gũi và thân thiện của đất nước, con người Việt Nam. Dòng chữ “Việt Nam” ở phía dưới khoẻ khoắn như một chân đế vững chắc cho sự phát triển của hoạt động Chữ thập đỏ.
Hình và màu của Biểu trưng giản dị, hiện đại, trong sáng, giàu ý nghĩa, có khả năng gây ấn tượng mạnh, phù hợp với việc phóng to thu nhỏ cũng như thể hiện được trên mọi chất liệu. Đây là mẫu Biểu trưng không trùng lặp; thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng (kể cả với người nước ngoài); thể hiện được bản sắc dân tộc, truyền thống nhân ái của dân tộc và đặc trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Biểu trưng này được Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức thông qua vào đầu năm 2010 và đã được đăng ký, chứng nhận bản quyền vào năm 2013.
Luật lệ, quy định và quy tắc khi sử dụng biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ
Ở Việt Nam, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 ban hành ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009 đã quy định rất rõ các vấn đề liên quan đến biểu tượng Chữ thập đỏ.
Điều 14 – Chương III trong quy định về Biểu tượng trong hoạt động Chữ thập đỏ (CTĐ):
- Biểu tượng CTĐ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng CTĐ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.
- Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này.
Điều 15 – Chương III trong quy định về Biểu tượng trong hoạt động Chữ thập đỏ (CTĐ):
- Biểu tượng CTĐ được sử dụng khi tiến hành hoạt động CTĐ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội CTĐ.
- Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ được sử dụng theo quy định của các Công ước Geneva có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chương I – Những quy định chung, khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật.
Xem thêm: Các thông tin và quy định về Biểu trưng Chữ thập đỏ cùng các biểu tượng có giá trị tương đương Lưu trữ 2023-02-26 tại Wayback Machine
Cơ cấu tổ chức
- Văn phòng Trung ương Hội
- Ban Đối ngoại và Phát triển
- Ban Chăm sóc sức khỏe và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện
- Ban Truyền thông
- Ban Tổ chức - Kiểm tra
- Ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa
- Cơ quan Đại diện phía Nam Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
- Trung tâm đào tạo cán bộ Chữ thập đỏ
- Tạp chí Nhân đạo
- Trung tâm Truyền hình Nhân đạo
Thường trực Trung ương Hội khóa XI (nhiệm kỳ 2022-2027)
- Chủ tịch Hội: Bùi Thị Hòa, Bí thư Đảng đoàn.[5]
- Phó Chủ tịch Hội:
- Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Thường trực [6]
- Vũ Thanh Lưu
Chủ tịch Hội qua các thời kỳ
Họ và tên | Nhiệm kỳ | Thời gian tại nhiệm | Ghi chú | |
---|---|---|---|---|
Bắt đầu | Kết thúc | |||
Vũ Đình Tụng
(1895-1973) |
(23/11/1946 - 11/12/1971) | 25 năm, 18 ngày | ||
Nguyễn Văn Thủ
(1915-1984) |
(3/6/1973 - 24/6/1984) | 11 năm, 21 ngày | ||
Nguyễn Trọng Nhân
(1930-2017) |
(12/3/1988 - 31/7/2003) | 15 năm, 141 ngày | ||
Nguyễn Văn Thưởng
(1943) |
(31/7/2003 - 29/6/2007) | 3 năm, 333 ngày | Kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội | |
Trần Ngọc Tăng
(1948) |
(29/6/2007 - 5/7/2012) | 5 năm, 8 ngày | ||
Nguyễn Hải Đường
(1955) |
(5/7/2012 - 8/1/2016) | 3 năm, 187 ngày | ||
Nguyễn Thị Xuân Thu
(1961) |
(8/1/2016 - 13/1/2022) | 6 năm, 5 ngày | ||
Bùi Thị Hòa
(1965) |
(13/1/2022 - nay) | 2 năm, 299 ngày |
Chủ tịch danh dự Hội qua các thời kỳ
Thứ tự | Hình | Họ tên | Nhiệm kỳ | Thời gian
tại nhiệm |
Ghi chú | |
---|---|---|---|---|---|---|
Bắt đầu | Kết thúc | |||||
1 | Hồ Chí Minh
(1890-1969) |
(23/11/1946 - 2/9/1969) | 22 năm, 283 ngày | |||
2 | Đỗ Mười
(1917-2018) |
(15/3/1995 - 9/8/2001) | 6 năm, 147 ngày | |||
3 | Trần Đức Lương
(1937) |
(9/8/2001 - 5/7/2012) | 10 năm, 331 ngày | |||
4 | Trương Tấn Sang
(1949) |
(5/7/2012 - 16/8/2016) | 4 năm, 42 ngày | |||
5 | Trần Đại Quang
(1956-2018) |
(16/8/2017 - 21/9/2018) | 1 năm, 36 ngày | |||
6 | Nguyễn Phú Trọng
(1944-2024) |
(1/2019 - 8/2022) | 3 năm, 214 ngày | |||
7 | Nguyễn Xuân Phúc
(1954) |
(30/8/2022 - 23/4/2023) | 236 ngày | |||
8 | Võ Văn Thưởng
(1970) |
(4/2023 - 4/2024) | 1 năm, 198 ngày |
Xem thêm
Tham khảo
- ^ a b Những mốc son lịch sử Lưu trữ 2020-03-24 tại Wayback Machine, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
- ^ Lê Văn Trá. L’oeuvre de la Croix Rouge Vietnamienne – Une longue interview du Dr Hồ Văn Nhựt. L’ami du peuple, Saigon, 26 Juillet 1953. Edited by Nguyễn Thế Truyền.
- ^ Hội Hồng-Thập-Tự Việt-Nam Cộng hòa. 1970 Báo-cáo Niên để. Sài Gòn: ?, 1970. Tr 6
- ^ Redcross. “Biểu tượng Chữ thập đỏ”. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Bà Bùi Thị Hòa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X”.
- ^ “Đại hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 thành công tốt đẹp”.