Lý Mật | |
---|---|
Tên chữ | Lệnh Bá |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 224 |
Nơi sinh | Kiền Vi |
Mất | 287 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Thục Hán, Tây Tấn |
Lý Mật (tiếng Trung: 李密; bính âm: Lǐ Mì; 224 - 287), tên khác Lý Kiền (李虔)[1], tự Lệnh Bá (令伯), là quan viên Quý Hán và Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc.
Phụng sự Quý Hán
Lý Mật quê ở huyện Vũ Dương, quận Kiền Vi.[1] Ông nội Lý Mật là Lý Quang từng làm thái thú Chu Đề.[2] Lý Mật từ nhỏ cơ hàn, mới sáu tháng tuổi thì cha chết, bốn tuổi mẹ tái giá, được bà nội Lưu thị nuôi nấng trưởng thành. Lý Mật lấy hiếu mà nổi tiếng. Có lần bà nội bị bệnh, Mật khóc lóc thảm thiết, gặp lúc tối khó tìm được thầy thuốc, bèn đứng hầu hạ ở cạnh giường. Đồ ăn, bát thuốc đều phải nếm thử rồi mới dâng lên.[1]
Lý Mật tuy gia cảnh không tốt nhưng lại hiếu học, theo học Tiều Chu, đọc thông Ngũ kinh, chuyên Tả truyện, lại đọc rộng biết nhiều, lấy tài văn chương mà bước vào quan trường. Tiều Chu từng ví Lý Mật cùng Trần Thọ với môn đồ Tử Du, Tử Hạ của Khổng Tử.[1][2] Lý Mật ban đầu được trưng làm Ích châu lệnh, Thượng thư lang, lại vào phủ Đại tướng quân (chưa rõ là Tưởng Uyển hay Phí Y), giữ chức Chủ bộ, chuyển chức Thái tử tiển mã.[2]
Lý Mật từng đi sứ Đông Ngô, Tôn Quyền hỏi Mật rằng quân Thục có bao nhiêu. Mật trả lời: Quan dụng hữu dư, dân gian tự túc (của công có thừa, dân gian tự đủ). Tôn Quyền cùng quần thần lại chuyển sang bàn luận về đạo nghĩa gia đình, đều muốn nhận làm em. Mật lại nói rằng: Ta nguyện làm huynh trưởng. Lại nói: Làm anh càng có nhiều thời gian chăm sắc cha mẹ. Quân thần Đông Ngô đều nể phục.[1][2]
Xuất sĩ Tây Tấn
Năm 263, Quý Hán mất nước, Chinh tây tướng quân Đặng Ngải nghe tiếng Lý Mật, viết thư muốn vời, Mật một mực không theo. Châu quận nhiều lần muốn trưng Mật làm quan, đều bị lấy cớ chăm sóc bà nội mà từ chối. Năm 267, Tấn Vũ Đế lập Tư Mã Trung làm thái tử, hạ chiếu mộ binh Lý Mật vào triều làm Thái tử tiển mã, Lý Mật vì thế viết Trần tình biểu trần thuật nguyên nhân từ chối, lời văn thống thiết.[1] Tấn Vũ Đế cảm động, không hề ép Lý Mật xuất sĩ, lại ban cho hai người nô tỳ, càng ra lệnh cho quận huyện chu cấp riêng một phần lương thực cho bà của Mật.[1][2]
Sau khi bà nội qua đời, Lý Mật để tang xong, lên đường đến Lạc Dương nhận chức, gặp gỡ kết giao với Trương Hoa, cùng nhau thảo luận về Hậu chủ Lưu Thiện cùng Gia Cát Vũ hầu. Lý Mật cho rằng Lưu Thiện sánh với Tề Hoàn công, Trương Hoa cũng đồng quan điểm. Ban đầu, Lý Mật cùng các thần tử cũ của Hán là Vương Sùng, Thọ Lương, Trần Thọ, Lý Tương, Đỗ Liệt đều giữ gìn quan hệ, song về sau lại không duy trì được. Lương, Tương, Thọ ba người công kích lẫn nhau, Mật phê bình cả ba người.[2]
Lý Mật tiếp nhận chức Thái tử tiển mã, chuyển làm Thượng thư lang rồi làm Ôn (huyện) lệnh, chính lệnh nghiêm minh, chính tích rõ rệt. Huyện Ôn là cố hương của hoàng thất Tư Mã, các vương công khi đi qua đều hướng huyện đòi hỏi lễ vật, khiến quan dân địa phương bối rối. Mật làm huyện lệnh, liền dâng lời, lấy ví dụ việc Hán Cao Tổ khi về quê huyện Bái, giữ lễ với già trẻ, cự tuyệt địa phương dâng lên lễ vật. Từ đó, các vương công đi qua huyện Ôn không dám đòi hỏi, nhưng cũng vì Lý Mật công chính, nên các vương đều kiêng kỵ, chỉ trừ Lũng Tây vương Tư Mã Thái.[2] Dù bản thân Lý Mật cũng ghét Thái, so sánh Thái với Khánh Phụ, nhân vật nhiều lần tham dự cùng phát động chính biến làm rối loạn nước Lỗ.
Bởi các vương công đều sợ Mật, nên không có ai dám tiến cử, Lý Mật làm quan nhiều năm chỉ tới chức châu đại công chính, được một thời gian ngắn thì bị biếm làm thái thú Hán Trung. Lý Mật bất mãn triều đình xa xỉ, bị người sàm tấu lên Tấn Vũ Đế. Khi được triệu kiến, Mật phú thơ, thể hiện bất mãn, khiến Tấn Vũ Đế nổi giận, sai Đô quan lệnh dâng tấu bãi quan.[2]
Năm 287, Mật mất tại nhà, thọ 64 tuổi.[2]
Trước tác
Lý Mật có sáng tác sách Thuật lý luận gồm 10 thiên, nhưng đã bị thất lạc.[3] Tác phẩm còn lại đến ngày nay là Trần tình biểu cùng Tứ tiễn đông đường chiếu lệnh phú thi.
Tứ tiễn đông đường chiếu lệnh phú thi được sáng tác khi Lý Mật nhận chiếu bãi quan[2]:
|
|
Trần tình biểu được văn nhân [4] An Tử Thuận đánh giá là một trong ba kiệt tác lớn của văn trữ tình: Đọc Xuất sư biểu của Gia Cát Khổng Minh mà không rơi lệ, là bất trung; đọc Trần tình biểu của Lý Lệnh Bá mà không rơi lệ, là bất hiếu; đọc Tế thập nhị lang văn của Hàn Thoái Chi mà không rơi lệ, là bất hữu.[5] Trần tình biểu từng là bài văn bắt buộc phải đọc trong chương trình Ngữ văn bậc trung học phổ thông tại Trung Quốc.[6]
Gia đình
Lý Mật có sáu con trai, được xưng là "Lục long" (六龍)[2]:
- Lý Tứ (李賜), quan đến thái thú Vấn Sơn.
- Lý Hưng (李興), quan đến Thái phó tham quân.
- Lý Thịnh Thạc (李盛碩), quan đến thái thú Ninh Phổ.
Tham khảo
- Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí.
- Thường Cừ, Hoa Dương quốc chí.
- Phòng Huyền Linh (chủ biên), Tấn thư, quyển 88, liệt truyện 58, Hiếu hữu truyện.
Chú thích
- ^ a b c d e f g Phòng Huyền Linh (chủ biên), Tấn thư, quyển 88, Hiếu hữu truyện.
- ^ a b c d e f g h i j k Thường Cừ, Hoa Dương quốc chí, quyển 11, Hậu hiền chí.
- ^ Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí, Thục thư, quyển 15, Đặng Trương Tông Dương truyện.
- ^ An Tử Thuận (tiếng Trung: 安子順; 1158-1227), tự Hiếu Thiên (孝天), quê ở Trấn Giang, Giang Tô, văn nhân thời Nam Tống. Tác phẩm duy nhất còn lại là đoạn tán văn được chép trong Tân Thoái lục của Triệu Dữ Thời, lưu trữ trong Tứ khố toàn thư.
- ^ Trần Dữ Thời, Tân thối lục.
- ^ Ngữ văn Cao trung, Bắt buộc 5: Trần tình biểu.