Giáo sư Từ Chi (17 tháng 12 năm 1925 – 15 tháng 10 năm 1995), hay Nguyễn Từ Chi, có bút danh là Trần Từ, là một trong những nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam thế kỷ 20, chuyên gia về người Mường và làng xã người Việt. Ông còn được biết đến như một nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả, biên tập viên, một người thầy đáng kính.
Thân thế
Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Đức Từ Chi, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1925 tại Đồng Hới, Quảng Bình, thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là một dòng họ Nho học nổi tiếng. Ông nội ông là Nguyễn Hiệt Chi, một sĩ phu Duy Tân, đồng sáng lập ra Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Người em ông nội là Nguyễn Hàng Chi, cũng là một chí sĩ Duy Tân, cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh và bị chính quyền thực dân Pháp xử chém năm 1908. Bố ông là Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội khóa I-IV). Chú ruột là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.
Cuộc hành trình có định hướng trong dân tộc học
Thuở nhỏ, ông theo học trường trung học Pellerin ở Huế, đậu Tú tài toàn phần Ban Triết học văn chương năm 1945.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Việt Minh, làm biên tập viên tờ Tin tức Tuyên truyền Trung Bộ; rồi gia nhập Đoàn quân Nam tiến; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại mặt trận Nam Trung Bộ tháng 10 năm 1946. Năm 1948, ông là Chính trị viên Trung đội Trinh sát E80. Từ năm 1950, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát mang phiên hiệu nói trên. Năm 1953, sau khi tham gia chiến dịch "Giảm tô" và "Cải cách ruộng đất" ở một vài nơi với nhiệm vụ là "Thư ký đội", ông được giải ngũ, được điều ra Việt Bắc làm công tác biên tập cho Thông tấn xã Việt Nam
Năm 1954, ông theo cơ quan trở về Hà Nội. Năm 1957 ông vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 2, chuyên ngành Dân tộc học. Sự lựa chọn này của ông, như ông thường nói với bạn bè lúc sinh thời là một kiếm tìm thích hợp nhất với lứa tuổi, cá tính và hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ. Mà cũng từ đấy, ông đã dành hầu như tất cả tâm lực còn lại cho cuộc hành trình có định hướng trong dân tộc học.[1]
Sau khi tốt nghiệp năm 1960, ông về làm nghiên cứu ở Viện Sử học, tổ Dân tộc học. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, ông được cử sang Guinée làm chuyên gia về giáo dục. Tại đây ngoài thời gian giảng dạy, ông còn nghiên cứu nhiều đến tư liệu dân tộc học châu Phi và liên tục đi điền dã để xây dựng luận án Phó tiến sĩ dân tộc học châu Phi với đề tài về Đế quốc Gao, tức Đế quốc Songhai Tây Phi. Tuy nhiên, khi về nước, đề tài này đã không được chấp thuận.
Sau khi về nước cuối năm 1963, ông được phân công làm việc ở Viện Mỹ thuật – Mỹ nghệ[2]. Năm 1966, ông được điều trở lại công tác tại Tổ Dân tộc học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam[3], được thành lập từ Tổ Dân tộc học của Viện Sử học.
Đến năm 1972, ông chuyển công tác làm biên tập viên cho Tạp chí Nghiên cứu Văn hoá - Nghệ thuật[4], Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, với mong muốn có thể tự túc làm nghiên cứu dân tộc học. Giáo sư Pháp George Condominas đã viết về ông: "Quả thật trong nhiều thập kỷ anh không có vị trí chính thức trong việc nghiên cứu, tự coi mình như nhà dân tộc học nghiệp dư".
Điều mà trong thời gian làm công tác chính thức không làm được, thì với tư cách nhà nghiên cứu nghiệp dư, ông đã thực hiện được. Năm 1979-1980, ông được mời sang Pháp trình bày tại Đại học Sorbonne Paris về những kết quả nghiên cứu của mình về người Mường. Ghi nhận những kết quả đó, năm 1984, ông được Nhà nước Việt Nam phong học hàm Phó Giáo sư.
Năm 1987, ông được nghỉ hưu ở tuổi 62. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục là cộng tác viên thân tín của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Đông Nam Á, Viện Dân tộc học, Tạp chí Dân tộc học, Trường Viết văn Nguyễn Du, Nhà xuất bản Ngoại văn[5], Bảo tàng Con người (Musée de I' Homme) của Pháp ở Paris... Ông cũng tham gia làm ủy viên của nhiều Hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và Hội đồng xét giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm của Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Sau nhiều năm nghiên cứu không nghỉ, ông qua đời lúc 17 giờ 30 ngày 15 tháng 10 năm 1995, tại bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, để lại nhiều dự án dân tộc học đang còn dang dở.
Giải thưởng
Năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, cho bốn công trình: "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ" (1984), "Hoa văn Mường" (1978), "Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana" (1986) và "Người Mường ở Hoà Bình" (viết nhiều năm, công bố hoàn chỉnh 1995). Ngoài ra ông còn có nhiều công trình viết chung, nhiều công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành có khám phá độc đáo, nhiều sách và ấn phẩm dịch. Với công trình viết bằng tiếng Pháp "Vũ trụ quan Mường" (La Cosmologie Mương, Paris, 1997) ông được giới dân tộc học ở nước ngoài, nhất là ở Pháp coi như chuyên gia số một về người Mường. Giáo sư George Condominas nhận định về ông: "Nếu con người bác học khiến ta phải khâm phục thì con người vừa khiêm tốn vừa uyên bác mà không kiểu cách, có óc hài hước, sâu sắc trong ngôn từ và trong hội họa, thoải mái trong cách ăn mặc - đã thu hút lập tức và lâu bền cảm tình của người khác". Nhiều kiến giải sắc sảo và nhiều giai thoại đặc biệt về cách sống "ngoài lề" của ông vẫn được bè bạn học trò truyền tụng.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người, lưu của google
- Đặng Thân, "'Hình như'Từ Chi"
- Từ Chi - nhà khoa học chân chính nhưng nghèo khổ
- Nguyễn Huệ Chi, Từ Chi - Anh tôi; lưu của google
- Trưng bày Từ Chi – Nhà dân tộc học[liên kết hỏng]
- Bàn giao di cảo của GS Từ Chi cho bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
- Từ Chi nhà dân tộc học bậc thầy Lưu trữ 2006-10-10 tại Wayback Machine
- Di cảo Từ Chi và câu chuyện "Con đường dân tộc học" Lưu trữ 2007-02-10 tại Wayback Machine
- Viết cho Từ Chi[liên kết hỏng]
- Nguyễn Từ Chi - Người mở đầu cho một hành trình gian nan[liên kết hỏng]
- Từ Chi: một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học[liên kết hỏng]