Tổng cục Thuế | |
---|---|
Tên viết tắt | GDT |
Thành lập | 10 tháng 9 năm 1945 |
Loại | Cơ quan nhà nước |
Vị thế pháp lý | Hợp pháp, hoạt động |
Mục đích | Thu và quản lý thuế |
Trụ sở chính | Số 123 Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng |
Vị trí | |
Ngôn ngữ chính | Tiếng Việt |
Tổng cục trưởng | Mai Xuân Thành |
Chủ quản | Bộ Tài chính |
Trang web | http://www.gdt.gov.vn |
Tổng cục Thuế (tiếng Anh: General Department of Taxation, viết tắt là GDT) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (gọi chung là thuế); tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế được quy định tại Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018[1] và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021[2] của Thủ tướng Chính phủ.
Lịch sử phát triển[3]
Ngày 10 tháng 9 năm 1945, Chính phủ đã ban hành sắc lệnh số 27/SL đặt ra Sở Thuế quan và thuế gián thu (trực thuộc Bộ Tài chính) dưới quyền điều khiển của một Tổng giám đốc được bổ nhiệm bằng sắc lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong cùng ngày, Chính phủ ra sắc lệnh bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bính, Giám đốc Sở Thương chính Bắc Kỳ làm Tổng giám đốc.
Để tách biệt với ngành hải quan, ngày 25 tháng 3 năm 1946 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành nghị định số 210-TC thành lập Nha Thuế trực thu Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài chính) có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị thi hành và kiểm soát các công việc liên quan đến các loại thuế trực thu (thuế điền thổ, thuế thổ trạch, thuế môn bài, thuế lương bổng, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp). Ở mỗi kỳ có Nha thuế trực thu cấp kỳ; ở mỗi tỉnh có phòng thuế trực thu.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách thuế mới, chủ yếu là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp. Ngày 14 tháng 7 năm 1951, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 55/NĐ thành lập Vụ Thuế Nông nghiệp (trực thuộc Bộ Tài chính) với nhiệm vụ xây dựng và tổ chức chỉ đạo, quản lý thu thuế nông nghiệp. Ở các liên khu, tỉnh, huyện, cơ quan tài chính trực tiếp phụ trách công tác chỉ đạo, quản lý thu thuế nông nghiệp trên địa bàn.
Ngày 17 tháng 7 năm 1951, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 63/NĐ thành lập hệ thống tổ chức ngành thuế công thương nghiệp bao gồm:
- Ở trung ương: Sở Thuế Trung ương (trực thuộc Bộ Tài chính).
- Ở liên khu: Phân sở thuế
- Ở tỉnh: Chi sở thuế.
- Ở tuyến có hoạt động xuất nhập khẩu lớn: Chi sở thuế xuất nhập khẩu.
- Ở huyện, thị xã: Phòng thuế
Sở Thuế Trung ương có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện việc quản lý với mọi loại thuế (trừ thuế nông nghiệp và thuế trước bạ).
Ngày 7 tháng 4 năm 1959, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 144-TC/TCCB về điều lệ tổ chức Bộ Tài chính, trong đó Sở thuế Trung ương cũ được chuyển thành Sở Thuế Công thương nghiệp chuyên trách xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thuế công thương nghiệp, thuế rượu, thuế muối.
Ngày 7 tháng 11 năm 1961, Sở Thuế Công thương nghiệp được chuyển thành Vụ Thu quốc doanh và thuế. Vụ Thuế nông nghiệp được chuyển thành Vụ Tài vụ hợp tác xã và thuế nông nghiệp.
Ngày 20/3/1974, Vụ thu quốc doanh và thuế cùng với Vụ tài vụ hợp tác xã và thuế nông nghiệp lạI được giải thể để tổ chức thành Cục Thu quốc doanh và Vụ thuế tập thể - cá thể. Ngày 18 tháng 11 năm 1978, Vụ thuế tập thể - cá thể tách thành Vụ thuế Công thương nghiệp và Vụ thuế nông nghiệp. Ngày 10 tháng 11 năm 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 120-CP quy định tổ chức ngành thuế công thương nghiệp thống nhất, theo đó thành lập Cục thuế công thương nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính. Ngày 15 tháng 7 năm 1983, theo Quyết định số 76/HĐBT đặt ra Cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương và hệ thống ngành dọc của Cục.
Ngày 15 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định số 155/HĐBT và 156/HĐBT kiện toàn hệ thống thu thuế thành 3 cục là Cục Thu quốc doanh, Cục thuế công thương nghiệp, Cục thuế nông nghiệp.
Ngày 7 tháng 8 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 218-HĐBT về việc thành lập ngành thuế nhà nước được hợp nhất từ 3 hệ thống tổ chức: thu quốc doanh, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp. Ngành thuế nhà nước được tổ chức qua 3 cấp từ Tổng cục Thuế, cục thuế đến chi cục thuế. Ngày 28 tháng 10 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính.
Lãnh đạo Tổng cục đương nhiệm[4]
- Tổng cục trưởng: Mai Xuân Thành
- Phó Tổng cục trưởng:
- Đặng Ngọc Minh
- Vũ Chí Hùng
- Mai Sơn
- Vũ Mạnh Cường
Cơ cấu tổ chức[5]
Cơ quan Tổng cục Thuế ở Trung ương
(Theo Điều 1, Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
Khối quản trị nội bộ và quản lý chuyên ngành
- Văn phòng Tổng cục
- Vụ Tổ chức cán bộ
- Cục Kiểm tra nội bộ, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng
- Vụ Tài vụ - Quản trị
- Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế
- Vụ Kê khai và Kế toán thuế
- Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế
- Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế
- Vụ Chính sách
- Vụ Pháp chế
- Cục Công nghệ Thông tin
- Vụ Dự toán thu thuế
- Vụ Hợp tác Quốc tế
- Cục Thuế doanh nghiệp lớn
- Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân
Khối đơn vị sự nghiệp
- Trường Nghiệp vụ thuế
- Tạp chí Thuế
Hệ thống 63 Cục Thuế cấp tỉnh
- Văn phòng Cục
- Phòng Tổ chức cán bộ
- Phòng Kiểm tra nội bộ
- Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế
- Phòng Kê khai và Kế toán thuế
- Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế
- Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế
- Phòng công nghệ thông tin
- Phòng Nghiệp vụ dự toán - Pháp chế
- Phòng Quản lý các khoản thu từ đất
- Phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác
Hệ thống 415 Chi cục Thuế cấp huyện
- Đội/Phòng Kiểm toán nội bộ
- Đội/Phòng Hành chính - Tổ chức - Tài vụ Quản trị - Ấn chỉ
- Đội/Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế
- Đội/Phòng Kê khai và Kế toán thuế - Tin học
- Đội/Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế
- Đội/Phòng Kiểm tra thuế
- Bộ phận một cửa của Chi cục không đóng trụ sở chính
- Đội/Phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ dự toán - Pháp chế
- Đội/Phòng trước bạ và thu khác
- Đội/Phòng thuế liên phường, xã
Ghi chú: Cơ quan in nghiêng là bộ phận có thể có tùy theo quy mô cơ quan thuế.
Phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu công chức ngành Thuế Việt Nam
Phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu công chức ngành Thuế Việt Nam
Tham khảo
- ^ “Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ”.
- ^ “Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ”.
- ^ “Lịch sử phát triển ngành Thuế Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2022.
- ^ “Ban Lãnh đạo ngành Thuế Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2022.
- ^ “Sơ đồ tổ chức bộ máy Ngành thuế”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2022.
Xem thêm
Liên kết ngoài
- Website chính thức Lưu trữ 2022-02-01 tại Wayback Machine của Tổng cục Thuế