"Thành phố buồn" | |
---|---|
Bìa tờ nhạc Thành phố buồn | |
Bài hát nhạc vàng của Chế Linh | |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Phát hành | 1970 |
Thể loại | Nhạc vàng |
Sáng tác | Lam Phương |
"Thành phố buồn" là một bài hát nhạc vàng gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương. Nội dung bài hát miêu tả về mối tình giữa đôi nam nữ trong bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông bao phủ sương khói tạo nên cảm giác buồn.
Hoàn cảnh sáng tác
Vào năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội lên Đà Lạt biểu diễn. Khi ông đang ở nơi nghỉ ngơi, nhạc sĩ nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên đã có cảm xúc viết nên bài hát này. Sau khi về Sài Gòn, Lam Phương đem xuất bản tờ nhạc và lập tức bán rất chạy, thu lời tiền bản quyền gần 12 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa. Bài hát được xem là một kỷ lục xuất bản nhạc lúc đó. Sau đó ông có viết tiếp bài "Tình bơ vơ" nhưng không bán chạy bằng.[1]
Thông tin khác
Sau năm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, bài hát bị liệt vào danh sách bài hát cấm lưu hành của chính quyền mới do có nội dung "ủy mị". Năm 2009, bài hát chính thức được lưu hành trở lại tại Việt Nam.[2]
Bài Tân cổ giao duyên của Thành phố buồn là do ca sĩ Mạnh Quỳnh viết lời, song ca với Phi Nhung trong cuốn Paris By Night 69: Nợ Tình.
Người thể hiện đầu tiên và thành công nhất Thành phố buồn là ca sĩ Chế Linh.[3] Năm 2002, ông viết phần tiếp theo Thành phố buồn hơn (Cho anh và em).
Sai lời
Bài hát có một ca từ gây nhầm lẫn dẫn đến việc một số ca sĩ hát sai lời không đúng ý nghĩa của bài hát.
Trong tờ nhạc xuất bản năm 1970, Lam Phương viết có câu: "Trốn phong ba, em làm dâu nhà người". Tuy nhiên, hầu hết các ca sĩ đều hát nhầm thành "chốn phong ba". Nhạc sĩ Lam Phương cũng đã lên tiếng khẳng định là "trốn phong ba" mới là chính xác, chứ không phải "chốn phong ba".[4]
Nội dung
Bài hát viết theo điệu Slow rock. Nội dung kể về mối tình tan vỡ của một đôi nam nữ với những kỷ niệm thơ mộng ở Đà Lạt. Trích đoạn như sau:
- Thành phố nào nhớ không em?
- Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.
- Thành phố nào vừa đi đã mỏi.
- Đường quanh co quyện gốc thông già.
- Chiều đan tay nghe nắng chan hòa.
- Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em.
- Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn.
Chú thích
- ^ “Có một "Thành phố buồn" giúp nhạc sĩ Lam Phương thừa sức mua 18 chiếc xe hơi”. Báo Pháp Luật.
- ^ Tiểu Vũ (23 tháng 12 năm 2020). “Nhạc sĩ Lam Phương mất - 'Thành phố buồn' chắc sẽ buồn hơn!”. Một thế giới.
- ^ “Sách về Lam Phương (kỳ bốn): 'Thành phố buồn'”. 2 tháng 12 năm 2019.
- ^ Lan Anh (11 tháng 11 năm 2019). “'Thành phố buồn' của Lam Phương: Viết cho ai?”. Phụ nữ TPHCM.