Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Trùm Thịnh | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Nguyễn Văn Thịnh |
Ngày sinh | 1883 |
Nơi sinh | Kim Động, Hưng Yên |
Mất | 1973 (89–90 tuổi) |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Diễn viên sân khấu |
Gia đình | |
Vợ | Nguyễn Thị Mơ |
Con cái | Nguyễn Thị Minh Lý |
Lĩnh vực | Chèo |
Khen thưởng | Huân chương Lao động (1963) |
Danh hiệu | Nghệ sĩ Nhân dân (1984) |
Sự nghiệp sân khấu | |
Nghệ danh | Trùm Thịnh |
Thành viên của | Đoàn chèo Trung ương |
Trùm Thịnh tên thật Nguyễn Văn Thịnh (1883 - 1973) là nghệ sĩ chèo Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ chèo tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong việc phục hồi nghệ thuật chèo và xây dựng sân khấu chèo hiện đại.
Ông sinh năm 1883, quê ở Kim Động, Hưng Yên (theo Lý Khắc Cung thì là ở Ninh Giang, Hải Dương). Ông sinh ra trong một gia đình có nghề chèo, do đó mới 5 tuổi ông đã bắt đầu tham gia biểu diễn. Ông sớm phải bỏ quê, đi hát rạp Sán Nhiên Đài (sau là rạp Kim Lan) ở ngõ Sầm Công. Nhiều bài hát của ông được thu vào đĩa hát của hãng Pathé và Asia. Năm 16 tuổi, ông đoạt giải nhất trong cuộc thi hát chèo ở Làng Bưởi. Bởi tài năng của mình, ông sớm trở thành trùm một phường chèo thuộc chiếng chèo Đông, hoạt động tại Hải Dương. Ông có thể diễn được nhiều loại vai, từ kép chính như Từ Thức, Tất Chánh, Lưu Bình, Thúc Sinh.... kép lệch như Tuần Ty, Sở Khanh..., lão như Huyện Tể, ông Mãng, đồ Điếc, hề như thầy đồ, hương Câm... Ngoài giọng hát, ông còn là một tay trống chèo và kéo nhị tài ba.
Những năm 1920, ông về Hà Nội tham gia trào lưu chèo văn minh, chèo cải lương. Sau đó ông cùng các con lập gánh hát riêng, có sự tham gia của Đào Lan (Trịnh Thị Lan, tức Cả Tam). Sau Cách mạng tháng 8, ông cùng con gái là Minh Lý trở lại Ninh Giang, tham gia sinh hoạt văn hóa kháng chiến nơi đây. Năm 1950, ông về Hà Nội, hát ở rạp Lạc Việt cho gánh của bà Hoa Tâm. Năm 1956, ông được mời về Đoàn chèo Trung ương. Ông là một trong các nghệ nhân tham gia Ban nghiên cứu chèo cùng Cả Tam, Năm Ngũ, Minh Lý, Dịu Hương, Lý Mầm. Ở đây, ông đã ghi lại nhiều điệu, tích chèo cổ như tích Vu quy... đã trở thành những trích đoạn mấu mực mà nhiều nghệ sĩ học tập.
Ông đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động (1963) và truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu (1984). Tên ông đã được ghi lại Bách khoa từ điển sân khấu Liên Xô xuất bản năm 1959 trong mục sân khấu Việt Nam. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Mơ và có một người con gái là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Minh Lý, cũng là nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Ông còn là ông nội của diễn viên điện ảnh Văn Báu.
Tham khảo
- Kinh Thành Em Có Nhớ! - Lý Khắc Cung, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004