Trận Gaugamela | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Những cuộc chinh phạt của Alexandros Đại Đế | |||||||||
Trận Gaugamela, thảm thêu Flanders, nửa đầu thế kỷ 18. | |||||||||
| |||||||||
Tham chiến | |||||||||
Macedonia, các đồng minh Hy Lạp |
Ba Tư, lính đánh thuê Hy Lạp | ||||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||||
Alexandros Đại đế và các tướng lĩnh khác |
Darius III và các tướng lĩnh khác | ||||||||
Lực lượng | |||||||||
47.000[2][3] |
52.000 (Delbrück)[4] tới 120.000 (Thomas Harbottle)[3] 94.000-106.000 | ||||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||||
100 bộ binh, 1.000 kỵ binh, (Arrian), 300 bộ binh(Quintus Curtius Rufus), 500 bộ binh (Diodorus Siculus) |
40.000 (Quintus Curtius Rufus), hơn 300.000 bị bắt sống[6] |
Trận Gaugamela (tiếng Hy Lạp: Γαυγάμηλα) còn gọi là trận Arbela, diễn ra vào ngày 1 tháng 10 năm 331 trước Công nguyên, giữa liên quân Hy Lạp do vua xứ Macedonia Alexandros III chỉ huy với quân đội Ba Tư do hoàng đế Darius III chỉ huy. Đây là trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến chinh phục đế quốc Ba Tư của Alexandros và cũng là một trận đánh tiêu biểu cho tài nghệ quân sự của ông và đạo quân thiện chiến của mình. Đồng thời, trận chiến cũng là cuộc đọ sức nảy lửa cuối cùng quyết định sự sụp đổ của đế quốc Ba Tư dưới triều Achaemenes.
Darius III đã dự định tận dụng ưu thế quân số của kỵ binh Ba Tư để bọc sườn quân Hy Lạp từ hai phía. Để đối chọi với tình huống này, Alexandros cho quân di chuyển theo đội hình nghiêng, nghĩa là tập trung hết sức mạnh tấn công vào cánh phải. Quân Ba Tư đã tấn công cánh phải Hy Lạp nhưng bị đẩy lùi. Thừa thắng, Alexandros đã xua đội cận vệ tinh nhuệ xông lên đánh thủng chiến tuyến của Ba Tư. Sau đó, ông lao về trung quân Ba Tư và tấn công dữ dội vào vua Ba Tư, buộc Darius phải bỏ chạy giống như ở trận Issus trước đó.[1]
Trong khi ấy quân Ba Tư không phải là không có thắng lợi. Họ đánh bại cánh trái của Hy Lạp và tấn công doanh trại của đối phương. Quân kỵ binh Ba Tư ở trung quân đã lợi dụng lỗ hổng giữa trận tuyến Hy Lạp và tấn công, nhưng bị tuyến quân thứ hai của Hy Lạp đánh lui. Tuy nhiên, quân Ba Tư đã không thể kháng cự sau khi nhà vua rút chạy. Quân Ba Tư không chỉ bị thương vong lớn trong trận đánh, mà còn hao tổn rất nhiều do sự truy kích của người Hy Lạp sau đó.[1]
Cuộc viễn chinh của Alexandros xứ Macedonia
Cho đến thế kỷ thứ 5 và nửa đầu thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, bên cạnh các bậc "đàn anh" thường đứng ra cầm đầu các liên minh để xưng hùng tranh bá trên đất Hy Lạp như Athena, Sparta, Thebes, v.v… thì xứ Macedonia chỉ là một "đàn em" ít được ai nhắc nhở đến, thậm chí có khi còn bị coi là man rợ nữa.
Macedonia vốn là một tiểu quốc ở phía bắc Hy Lạp, nhưng đến triều đại Philippos II (359 - 336 TCN) thì Macedonia đã có nhiều biến chuyển. Nó sở hữu một nền kinh tế phồn vinh và thủ đô Pella luôn mở rộng cửa để đón mời các nhân tài của Hy Lạp. Philippos II lúc này vừa có thế lực mạnh lại vừa là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao có tài. Ông ta đã dùng mọi cách để mở rộng lãnh thổ và phạm vi ảnh hưởng của mình ra khắp xung quanh. Đến năm 350 trước Công nguyên Macedonia đã trở thành một cường quốc nắm quyền khống chế cả miền bắc và miền trung Hy Lạp. Năm 338 trước Công nguyên, trong trận Chaeronea, Philippos II đã đập tan liên quân Athena - Thebes, chính thức giành quyền bá chủ trên đất Hy Lạp.
Khi đã giành quyền bá chủ trong nước, Philippos II liền nghĩ ngay đến việc tiến công Ba Tư. Ông đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc viễn chinh, nhưng công việc đang tiến hành dang dở thì ông bị ám sát. Kẻ thù của ông liền nhao nhao nổi dậy, đâu đâu cũng chuẩn bị khởi loạn. Tai hại hơn nữa, có những kẻ vì quyền lợi ích kỷ của mình, đã không ngần ngại phản lại nhân dân Hy Lạp, sẵn sàng liên kết với Ba Tư chống lại Macedonia.
Chính trong tình thế vô cùng hiểm nghèo đó, thái tử Alexandros lên nối ngôi cha, vào lúc vừa tròn 20 tuổi. Kẻ thù của Alexandros chắc mẩm phen này chẳng chóng thì chầy sẽ bóp chết tươi chàng thanh niên trẻ măng.
Không để đối phương kịp trở tay, sau khi thanh toán những kẻ ám hại cha mình Alexandros liền mở một cuộc "nam chinh bắc chiến" trên hầu khắp đất Hy Lạp. Khi những đạo quân dũng mãnh của ông đè bẹp một cách không thương tiếc cuộc nổi loạn của những người xứ Thebes thì những kẻ thù của Macedonia lúc bấy giờ mới biết rằng họ đã trót dại chọc tức một con mãnh sư. Thế là họ lại vội vàng xin quy phục Macedonia. Vốn là một nhà chính trị khôn ngoan chẳng kém gì cha, Alexandros liền chấp thuận hết và sẵn sàng tha thứ ngay cho cả Athens và Sparta là những xứ sở tỏ ra thù địch nhất đối với Macedonia.
Sau khi thu phục được nhân tâm và nắm chắc được chiếc vương trượng của toàn Hy Lạp, Alexandros cho triệu tập cuộc họp tại Kórinthos vào mùa thu năm 336 TCN để tuyên bố ý định sẽ tấn công đế quốc Ba Tư, kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất của Hy Lạp.
Mùa xuân năm 334 TCN Alexandros đưa quân vượt sang Tiểu Á gồm 30.000 bộ binh và 5.000 kỵ binh. Người ta kể rằng khi thuyền cập bến Alexandros đã phóng ngọn lao xuống bãi biển và kêu lên: "Xin thần linh hãy giúp con chinh phục được châu Á bằng ngọn lao này".
Sau đó, Alexandros liên tiếp thu được những thắng lợi rực rỡ. Trong đó quan trọng nhất là trận đánh bại 40.000 quân Ba Tư ở bên bờ sông Granique vào tháng 5 năm 334 TCN và trận Issus vào khoảng tháng 10 năm 333 TCN, đập tan một đạo quân lớn do đích thân Darius III chỉ huy và khiến cho ông hoàng xấu số này phải lên ngựa chạy thục mạng, bỏ cả mẹ và vợ con trong đám bại quân.
Chiếm được Tiểu Á, Alexandros tiếp tục theo ven biển tiến xuống phía nam, sau một trận công thành ác liệt kéo dài tới 7 tháng thì hạ được thành Týros, đoạt được một bộ phận quan trọng của hạm đội đối phương và cuối cùng kéo quân vào Ai Cập.
Sau 3 năm chinh chiến (từ mùa xuân năm 334 TCN đến cuối năm 332 TCN) Alexandros đã chiếm được Tiểu Á, làm chủ Ai Cập và nắm quyền khống chế phần lớn Địa Trung Hải, loại khỏi vòng chiến hạm đội Ba Tư. Tại thủ đô Memphis, trước bàn thờ thần tối cao của người Ai Cập, một vị trưởng giáo đã trịnh trọng đặt lên đầu Alexandros chiếc vương miện pharaon. Tại ốc đảo Siwah ở Libya, ông cũng được suy tôn là con của thần Amon-Ra.[7][8]
Bối cảnh trước trận chiến
Mùa xuân năm 331 TCN, Alexandros Đại đế rời Ai Cập kéo quân lên phía bắc, bắt đầu thực hiện phần chủ yếu nhất trong kế hoạch của cuộc viễn chinh là đập tan đạo quân chủ lực của Darius III để hoàn toàn đánh bại đế quốc Ba Tư. Vào ngày 1 tháng 10 năm 331 TCN, lịch sử đã ghi nhận một trong những trận đánh lớn nhất trong các cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Ba Tư: đó là trận Gaugamela (còn gọi là trận Arbela).[9]
Sau lần đại bại ở Issus, Darius vẫn rắp tâm phục thù và nuôi hy vọng sẽ có ngày quật ngã được đối phương, nên mọi khả năng có thể đều được Darius dốc hết để chuẩn bị cho trận quyết chiến. Hơn một năm sau thất bại tại Issus, nơi ông ta thua gần như trắng tay và mất cả nguồn nhân lực, vật lực ở phía tây của đế quốc, Darius đã tập trung công sức để xây dựng một đạo quân đông đảo và hùng mạnh tại Babylon. Ở miền đông, trong các thành phố lớn, vàng bạc của Darius còn chất đống trong kho. Về nhân lực thì ngoài người Ba Tư và người Media là thành phần nòng cốt của quân đội Ba Tư, ông còn có cả một lực lượng đông đảo những người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau ở miền Trung Á, phần lớn đều thiện chiến. Ngoài ra người Ấn Độ còn gửi voi chiến sang giúp. Darius đã chú trọng huấn luyện binh sĩ và cải tiến lại tổ chức trang bị. Đặc biệt lần này ông đặt rất nhiều hy vọng vào 200 chiếc chiến xa do ngựa kéo, bánh xe có móc thêm những lưỡi liềm và mũi xe chĩa ra những ngọn giáo dài tua tủa như hàng lông nhím.
Darius III đã chọn một vùng đồng bằng bát ngát nằm ở bên bờ trái sông Tigor, một con sông lớn có sòng nước chảy xiết, và phía xa hơn là rặng núi Cuốc di stăng. Phía nam cánh đồng là Arbela, một thành phố cổ được mệnh danh là thành phố của bốn vị thần. Gần cánh đồng là làng Gaugamela nhỏ bé (vì vậy người ta lấy hai tên này để đặt cho trận đánh). Thận trọng hơn, Darius III còn cho san phẳng những chỗ mấp mô để tiện cho chiến xa hoạt động. Với chiến trường được lựa chọn chu đáo, với đạo quân đông đảo của Ba Tư đủ cả xe, voi, ngựa được tự do bày binh bố trận, thay đổi trận thế. Darius III chắc chắn quân Ba Tư sẽ mặc sức vẫy vùng ngang dọc. Và Alexandros dù có là thiên tài cũng khó có thể làm nên chuyện ở đây, nếu không muốn nói rằng, đạo quân Hy Lạp ít ỏi khó có thể thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.
Về phía Alexandros, rời Ai Cập vào mùa xuân năm 331 TCN, ông tới miền Lưỡng Hà sau gần 9 tháng hành quân và chuẩn bị vượt hai con sông Euphrate và Tigre. Ngày 20 tháng 9 năm 331 TCN, từ Syria quân của Alexandros vượt sông Tigre rồi hành quân theo hướng đông nam tiến về phía Arbela, nơi mà tin tức từ các tù binh cho ông biết rằng Darius III đã từ Babylon kéo đến dàn trận sẵn sàng nghênh chiến. Cách đại quân của Darius III vài dặm, Alexandros cho dừng binh hạ trại. Quân sĩ được lệnh nghỉ ngơi và chuẩn bị chiến đấu. Vài ngày sau, cùng với một toán kỵ binh, Alexandros tự mình tiến lên phía trước quan sát địa thế và tình hình đối phương. Ông đặc biệt quan tâm đến những dấu vết trận địa mới đào đắp mà phán đoán đó có thể là những cạm bẫy, những hố chông của đối phương.[10]
Lực lượng tham chiến
Quân Ba Tư
Theo ước tính ngày nay
Đơn vị | Số lượng | Số lượng |
---|---|---|
Lính phóng lao | 10.000[4] | 30.000[11] |
Kỵ binh | 12.000[4] | 40.000[5] |
Lính cận vệ hoàng gia Ba Tư | 10.000[12] | 10.000 |
Lính Hoplite Hy Lạp | 8.000[4] | 10.000[6] |
Kỵ binh Đại Hạ | 1.000[6] | 2.000 |
Cung thủ | 1,500 | 1,500 |
Xe Ngựa | 200 | 200 |
Voi chiến | 15 | 15 |
Tổng | 52,930[4] | 93,930[3] |
Một số học giả hiện đại cho rằng quân đội của Darius không thể lớn hơn 50.000 người vì vào thời điểm đó cung cấp hậu cần cho hơn 50.000 quân trên chiến trường là rất khó. Tuy nhiên, theo một số nguồn tài liệu khác, có thể quân đội Ba Tư có trên 100.000 người. Một trong những ước tính cho rằng có 25.000 lính phóng lao,[3] 10.000 lính cận vệ hoàng gia Ba Tư[12], 2.000 lính hoplite đánh thuê người Hy Lạp[6], 1.000 người Đại Hạ[6], 40.000 kỵ binh, 200 chiến xa[13] và 15 voi chiến. Tuy nhiên Hans Delbruck ước tính rằng số lượng kỵ binh Ba Tư là vào khoảng 12.000, do vấn đề quản lý, và lực lượng bộ binh Ba Tư có thể ít hơn bộ binh nặng Macedonia và lính đánh thuê Hy Lạp với khoảng 8.000.
Warry ước lượng quân Ba Tư có tổng số khoảng 91.000, Welman cũng ước lượng có 90.000, Delbrück (1978) ước tính có 52.000. Engels (1920) và Green (1990) cũng ước tính tổng số lượng quân đội của Darius III không lớn hơn 100.000 lúc ở Gaugamela.
Nguồn cổ đại
Theo Arian, lực lượng của Darius có khoảng 40.000 kỵ binh và một triệu lính bộ binh.[14] Diodorus Siculus cho con số 200.000 kỵ binh và 800.000 bộ binh.[15] Plutarch cho là phía Ba Tư có khoảng một triệu quân (không phân biệt rõ chủng loại).[16] Trong khi đó, theo Curtius Rufus, quân Ba Tư bao gồm 45.000 kỵ binh và 200.000 bộ binh.[17] Ngoài ra thì theo các nguồn Arrian,[13] Diodorus, Curtius, Darius còn có 200 chiến xa. Arian cũng đề cập đến 15 voi chiến Ba Tư.[14] Trong số lính bộ binh của Darius còn có cả hai.000 lính Hoplite Hy Lạp.[6]
Mặc dù Darius có lợi thế đáng kể về quân số nhưng phần lớn binh lính của ông đều thua kém so với quân của Alexandros. Lực lượng lính cầm giáo pezhetairoi của Alexandros được trang bị loại giáo sarissa dài tới 6m. Binh sĩ Ba Tư được huấn luyện cũng như trang bị nghèo nàn so với lực lượng pẽhetairoi và hoplite của Alexanros. Lực lượng bộ binh của Darius đáng kể hơn cả là 10.000 lính hoplite Hy Lạp[6] và 10.000 cận vệ của ông.[12] Lính đánh thuê Hy Lạp đã chiến đấu theo kiểu đội hình phương trận Argos, trang bị một tấm khiên nặng, nhưng ngọn giáo không dài hơn 3m. Trong khi giáo của lính cận vệ hoàng gia Ba Tư chỉ được có 2m. Trong số các binh sĩ khác của ông thì có người Armenia được trang bị nặng nề theo kiểu của người Hy Lạp, có lẽ là một đội phương trận Argos. Phần còn lại của quân đội Darius được trang bị nhẹ hơn. Vũ khí chính trong suốt chiều dài lịch sử của đế quốc Achaemenes là cung và tên.
Quân Macedonia
Nguồn hiện đại
Chủng loại | Số lượng |
---|---|
Pezhetairoi | 31.000[2] |
Lính phóng lao | 9.000[2] |
Kỵ binh | 7.000 |
Tổng cộng | 47.000[2] |
Alexandros chỉ huy một lực lượng đến từ vương quốc Macedonia, đồng minh Thrace và liên minh Kórinthos. Theo Arrian, sử gia đáng tin cậy nhất về Alexandros (có người cho sách của Arrian đã được viết dựa theo sách của Ptolemaios Soter), đạo quân này gồm 7.000 kỵ binh và 40.000 bộ binh.
Phương châm tác chiến
Cuộc vượt sông của quân Hy Lạp không gặp khó khăn gì bởi vì, theo lệnh Darius III, những đội quân Ba Tư trấn giữ ở các bến sông đều lui về phía sau, mở đường cho đối phương tiến sâu vào nội địa để đánh đòn tiêu diệt trên cánh đồng Arbela như đã chuẩn bị. Mưu kế của Darius là khá có tính toán, bởi vì nếu bị đánh bại ở đây thì quân Hy Lạp sẽ hoàn toàn tuyệt vọng khi mà phía sau lưng là hai con sông lớn chặn ngang. Đội quân đánh thuê người Hy Lạp nổi tiếng gan dạ và thiện chiến cùng với một đội quân tinh nhuệ người Ba Tư được hợp lại, tổ chức thành đạo trung quân để đối địch với Đội hình phalanx người Macedonia, lực lượng rất mạnh của Alexandros. Còn tả quân và hữu quân là những khối dày đặc bộ binh và kỵ binh thuộc các tộc người sống ở miền bắc và đông đế quốc. Trước mặt họ, Darius còn đặt thêm một tuyến kỵ binh gồm những người được lựa chọn ở một số bộ tộc có tinh thần và khả năng chiến đấu cao. Cuối cùng, dàn ra trước toàn bộ trận tuyến là 200 chiếc chiến xa, trong đó tập trung ở trước cánh trái là 100 chiếc. Đội voi chiến 15 con do những quản tượng người Ấn Độ điều khiển được Darius III bố trí ở chính giữa trận tiền. Ông tin rằng với vẻ hung tợn và sức mạnh ghê gớm của chúng, những con thú này sẽ thực sự là một mối đe doạ khủng khiếp đối với đối phương. Darius III đã triển khai xong một thế trận bậc thang, thành ba tuyến, có dáng hình chữ nhật, chiều ngang (chính diện) không cân đối (rộng quá) với chiều dọc (chiều sâu). Với thế trận này cùng với địa hình thuận lợi cho voi chiến và xe chiến cơ động, ông đinh ninh rằng Alexandros buộc phải giao chiến với quân Ba Tư trên thế bất lợi tất sẽ bị tiêu diệt.
Alexandros Đại đế đã quan sát kỹ thế trận của quân Ba Tư và thấy rằng một lần nữa có thể giành được chiến thắng bằng chiến thuật sở trường là đội hình nghiêng, hay chiến thuật phân bố lực lượng không đồng đều. Đội hình nghiêng là chiến thuật do danh tướng Epaminondas người Thebes phát minh ra đầu tiên. Khác hẳn với lối đánh dàn đều lực lượng và cứ giữ vững tuyến ngang mà tấn công như trước đây người Hy Lạp thường làm, Epaminondas đã nghĩ ra lối đánh bằng hai cánh: một cánh chuyên tấn công với mật độ bố trí quân số dày đặc và bao gồm những đội quân xung kích mạnh nhất, một cánh chuyên phòng ngự được bố trí vừa đủ lực lượng để cầm chân đối phương. Philippos II đã học được chiến thuật này trong thời gian sống ba năm ở Thebes làm con tin. Sau khi trở về nước ông đã vận dụng nó một cách sáng tạo và thành công trong những trận chiến của ông, mà kẻ bị ông đánh bại lại chính là những người Thebes đã phát minh ra chiến thuật đó. Từ đó đội hình nghiêng trở thành chiến thuật đặc trưng của dòng họ Philippos xứ Macedonia. Alexandros Đại đế sẽ đích thân thống lĩnh cánh quân tinh nhuệ nhất của quân đội Hy Lạp để đảm trách nhiệm vụ chủ yếu của cuộc tấn công. Còn lão tướng Parmenion, giống như thường lệ, chỉ huy cánh tả quân làm nhiệm vụ phòng ngự. Đội hình phalanx người Macedonia, được tổ chức thành 6 cụm, đứng ở vị chí trung quân, một vị trí gần như thường xuyên dành cho họ, người nào cũng được trang bị đầy đủ: kiếm, mộc, áo giáp da có đệm thêm những mảnh sắt, nhưng vũ khí của họ chủ yếu là cây thương sarissa nặng dài tới 7m.
Đội hình phalanx là đội hình của quân đội Hy Lạp cổ đại, bố trí thành khối dày đặc, gồm nhiều hàng quân. Các chiến binh đứng sát nhau, khoảng hai người trong 1m; trong tấn công, mỗi hàng cách nhau 1m; trong phòng ngự mỗi hàng cách nhau 0,5m. Trang bị của bộ binh có giáo, lao, kiếm, mộc, v.v… Bộ binh nặng có giáp sắt. Khi tấn công hay phòng ngự, cả khối người đó đều tiến hay lùi đều nhau, giữ vững cự ly giãn cách quy định. Mặt mạnh của đội hình này là ở chính diện, và có sức chiến đấu cao khi đánh với đối phương kém tổ chức, lực lượng yếu. Mặt yếu của nó là sau lưng và bên sườn, khả năng cơ động kém và chỉ dùng được ở địa hình bằng phẳng quang đãng. Để khắc phục nhược điểm, người ta dùng bộ binh nhẹ và kỵ binh để che sườn cũng như để tấn công vào sườn hay truy kích đối phương.
Trước một đối phương đông hơn, lại giao chiến ở nơi tráng địa, Alexandros Đại đế dự tính đến khả năng có thể bị đánh bọc sườn, thậm chí có khi còn bị bao vây. Vì vậy nên sau tuyến chính, ông bố trí thêm một tuyến thứ hai để nếu bình thường thì cứ tiếp tục tiến lên chiến đấu hoặc tăng cường lực lượng cho phía trước, nhưng khi cần thì lập tức quay đằng sau đối phó. Ông cũng nhắc các tướng phải khiến quân sĩ hiểu rằng đây không phải là một trận đánh bình thường mà là đòn quyết định sự sụp đổ của đế quốc Ba Tư và chiến thắng của nó sẽ đem lại cho họ vinh quang bất diệt. Alexandros yêu cầu ba quân hãy vững tâm, khi cần im lặng thì hàng ngũ không một tiếng động, không một lời xao xuyến, nhưng khi xung phong thì tiếng thét phải như thác đổ, sóng gào khiến quân thù phải kinh hồn khiếp đảm.
Lão tướng nổi danh Parmemion, người được coi như cánh tay phải của Alexandros, bàn rằng nên bất ngờ cướp trại vào đêm 30 tháng 9. Thế nhưng Alexandros cho rằng quân Ba Tư đã có phòng bị trước. Được lệnh của ông, quân Hy Lạp yên trí ngủ một giấc no say, trong khi đó suốt cả ngày và đêm 30 tháng 9, quân Ba Tư đã dàn thành thế trận chuẩn bị nghênh chiến, họ phải mặc giáp trụ trên người suốt đêm để đón chờ một cuộc tập kích không diễn ra của đối phương, khiến tinh thần có phần kém tỉnh táo vào buổi sáng.[18]
Diễn biến
Bố trí lực lượng ban đầu
Trận đánh bắt đầu khi người Ba Tư có mặt tại chiến trường, Darius đã tuyển dụng những kỵ binh tốt nhất từ các tổng trấn phía đông của mình và từ liên minh với bộ lạc người Scythia. Darius cũng đã triển khai chiến xa mà ông đã chuẩn bị phía trước mặt, cùng 15 con voi hỗ trợ bởi chiến xa của người Ấn Độ, mặc dù vậy chúng hầu như không có vai trò gì trong trận đánh. Trước khi trận đánh, Darius đã ra lệnh nhổ hết cây và bụi cỏ để tận dụng tối đa hiệu quả của chiến xa.
Darius đặt mình ở trung tâm cùng với đội quân bộ binh tốt nhất của mình theo truyền thống của các vị vua Ba Tư. Bên phải của ông là các kỵ binh Caria, lính đánh thuê Hy Lạp, và kỵ binh cận vệ Ba Tư. Ở bên phải-trung tâm ông đặt quân bộ binh cận vệ Ba Tư, kỵ binh Ấn Độ, và các cung thủ Mardian của ông.
Ở hai cánh đều là kỵ binh. Bessus chỉ huy cánh trái với người Bactria, kỵ binh Dahae, kỵ binh người Arachosia, kỵ binh Ba Tư, kỵ binh Susia, kỵ binh Cadusi và người Nguyệt Chi. Chiến xa được đặt đằng trước một đội quân nhỏ người Đại Hạ. Mazaeus chỉ huy cánh phải với người Syria, Media, Lưỡng Hà, Parthia, Sacia, Tapuria, Hyrcania, người Anbani ở dãy Kavkaz, người Sacesinia, người Cappadocia, và kỵ binh Armenia. Người Cappadocia và Armenia ở đằng trước các đơn vị kỵ binh khác và dẫn đầu cuộc tấn công. Kỵ binh Albania và Sacesinia được phái đến sườn bên trái quân Macedonia.
Quân Macedonia được chia làm hai, bên cánh phải dưới sự chỉ huy trực tiếp của Alexandros Đại đế, còn bên trái là Parmenion. Alexandros đã chiến đấu với lực lượng kỵ binh đồng đội tinh nhuệ của mình. Cùng với đó là người Paionia và lực lượng kỵ binh nhẹ của Macedonia. Kỵ binh lính đánh thuê được chia thành hai nhóm, với các chiến binh dày dạn kinh nghiệm được bố trí ở bên cánh phải, và phần còn lại được đặt ở phía trước người Agria và cung thủ Macedonia, được bố trí ở gần đội hình phalanx. Parmenion ở bên cánh trái với người Thessaly, lính đánh thuê Hy Lạp, và kỵ binh Thrace. Họ được sử dụng nhằm kéo giãn đội hình đối phương và tạo điều kiện cho Alexandros tung các đòn quyết định từ bên phải.
Ở bên phải trung tâm của đội hình là lính đánh thuê Crete. Đằng sau họ là một nhóm kỵ binh Thessaly dưới quyền Philippos và lính đánh thuê Achaia. Về phía bên phải họ là một phần của kỵ binh đồng minh Hy Lạp.
Trận chiến bắt đầu
Alexandros Đại đế bắt đầu trận chiến bằng việc hạ lệnh cho bộ binh của mình tiến về trung quân của Ba Tư theo đội hình nghiêng. Trong khi đó lực lượng của Alexandros ở hai cánh trái và phải đã đứng theo một góc chéo 45 độ so với quân Ba Tư để dụ kỵ binh Ba Tư tấn công vào đây. Trong khi các chiến binh phalanx Macedonia tiến về trung quân Ba Tư, vua Darius III hạ lệnh cho một phần lớn kỵ binh và một vài đơn vị bộ binh mở cuộc tấn công vào cánh trái của quân Macedonia do Parmenionos chỉ huy.
Alexandros dẫn cánh hữu quân tiến nhanh lên trước với ý định dùng sức mạnh nhất của mình để đập tan cánh trái của đối phương. Nhưng vì toàn bộ đội hình của quân Hy Lạp ngắn hơn rất nhiều so với đội hình quân Ba Tư, nên cứ theo đà ấy mà tiến thẳng thì cánh hữu quân của Alexandros sẽ chẳng những không đánh trúng cánh trái đối phương mà ngược lại sẽ lọt vào chính giữa đội hình của quân Ba Tư, nơi mà Darius tập trung lực lượng mạnh nhất. Alexandros thấy thế liền điều chỉnh hướng tiến, cho quân di chuyển chếch sang phía bên phải; làm như vậy ông vừa tránh được nguy cơ bị quân mạnh của đối phương bao vây và tấn công, lại vừa thực hiện được ý định ban đầu là đánh vào cánh trái của đối phương.[19] Cách xử trí khôn ngoan và bất ngờ ấy của Alexandros làm cho Darius lúng túng. Vì Alexandros không chịu tiến quân vào khoảng đất mà Darius đã nhọc công cho dọn dẹp san lấp từ trước để đội chiến xa có đủ điều kiện phát huy hết sức mạnh. Tình huống này không được dự kiến từ trước nên Darius đã mất bình tĩnh, cho các "binh chủng" ra giao chiến không đúng lúc.[20]
Trong trận chiến, Alexandros sử dụng một chiến thuật bất thường chỉ được dùng vài lần trong suốt chiều dài lịch sử quân sự: đó chính là nhử càng nhiều kỵ binh địch sang hai cánh càng tốt. Làm như vậy đội hình Ba Tư sẽ để hở một khoảng trống và Alexandros sẽ lợi dụng khoảng trống này để mở một đòn tấn công vào trung quân Ba Tư. Điều này đòi hỏi người dùng binh phải biết canh đúng thời điểm và phải điều binh hết sức khéo léo; và chính Alexandros là người ra tay trước. Lần này Alexandros phải tìm mọi cách buộc cho quân Ba Tư tấn công trước, đây là một điều không dễ dàng vì Darius đã trở nên cẩn trọng hơn rất nhiều sau bài học đau đớn ở trận Issus 2 năm về trước. Thế nhưng Alexandros đã thành công và quân Ba Tư là những người mở đợt tấn công đầu tiên trong trận đánh.
Theo lệnh vua Darius, một đội kỵ binh lao ra tấn công vào sườn quân Hy Lạp, nhưng họ đã vấp phải một đội kỵ binh nhẹ của Alexandros được tung ra nghênh chiến. Một cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai đội kỵ binh của đôi bên đã xảy ra. Đúng vào lúc ấy chiến trường bỗng náo động hẳn lên bởi tiếng quân reo ngựa hý. Đoàn chiến xa Ba Tư bắt đầu chuyển bánh lao về phía đối phương, cát bụi quấn theo mù mịt. Vua Darius hạ lệnh cho chiến xa Ba Tư tấn công vào các phương trận Macedonia. Quân Macedonia phản ứng lại bằng cách cho cung thủ và quân phóng lao Agrianes bắn dữ dội vào các chiến xa Ba Tư. Đồng thời quân Macedonia đã được huấn luyện kỹ một chiến thuật đặc biệt dùng để đối phó với các chiến xa nguy hiểm này: các phương trận Macedonia dạt sang hai bên, chừa một lối đi cho chiến xa lọt vào. Tất nhiên lũ ngựa kéo chiến xa sẽ tránh né những hàng giáo tua tủa trong các phương trận mà chạy vào lối đi được bày sẵn ấy. Quân Macedonia đã bố trí sẵn những đội quân đứng ở cuối "con đường" này để chặn các chiến xa, và ngay lúc đó quân Macedonia ở hai bên "con đường: sẽ đổ ập vào tiêu diệt chiếc chiến xa xấu số. Vì vậy đòn tấn công bằng chiến xa đã trở nên vô hiệu. Thế là "bảo bối" của Darius bị đập tan. Tuy nhiên lực lượng quân Ba Tư vẫn còn rất mạnh. Nhận thấy cánh trái của mình vẫn chưa đẩy lùi được cánh hữu quân do Alexandros chỉ huy, Darius điều thêm một lực lượng lớn kỵ binh đánh bọc sườn quân Alexandros. Vì vậy mà giữa cánh trái quân Ba Tư lộ ra một khoảng trống lớn.[20]
Đòn đột kích quyết định của Alexandros
Alexandros đã phát hiện ngay ra chỗ sơ hở đó và không bỏ lỡ thời cơ. Chỉ để lại một bộ phận đương đầu với các đội kỵ binh đang công kích ở bên sườn, Alexandros cho cánh hữu quân mau chóng chuyển qua đội hình mũi nhọn có chiều sâu để xung phong thẳng vào khoảng trống nói trên và từ đó đánh thốc vào sườn đạo trung quân đối phương. Alexandros đích thân dẫn đầu cuộc xung phong, bên phía chính diện, bốn trong sáu cụm quân của đội hình phalanx cũng tiến lên công kích. Quân Ba Tư phải dốc sức ra để chống chọi với cuộc tấn công như vũ bão của đối phương, nhưng chẳng được bao lâu họ bắt đầu núng thế. Ở phía trước mặt, những cây sarissa nhọn hoắt trong đội hình phalanx kết lại dày đặc như những lớp rào di động đang chĩa thẳng mũi nhọn xông vào quân Ba Tư, phá vỡ từng mảng lớn đội hình của nó; đồng thời từ bên sườn, những chiến binh tinh nhuệ của đội kỵ binh hoàng gia Macedonia cũng vung kiếm đánh thốc vào quân Ba Tư. Trước đòn tấn công hết sức lợi hại và mãnh liệt của đối phương, Darius III lo lắng bối rối, không còn đủ tâm trí để bao quát và chỉ huy toàn bộ trận đánh nữa. Khi nhìn thấy Alexandros đang dũng mãnh mở đường qua các vệ sĩ Ba Tư để xông lên, Darius III mất bình tĩnh nên vội ra lệnh quay xe chạy trốn. Hành động bỏ trốn vội vã và hèn nhát của vua Ba Tư thật vô cùng tai hại và càng không thể tha thứ được, vì không những ông là người đầu tiên bỏ chạy khỏi chiến trường mà hơn nữa, người chỉ huy đã bỏ chạy vào lúc mà tình thế chưa phải là tuyệt vọng.
Cánh hữu quân Ba Tư do tướng Mazaios chỉ huy lúc này lại đang thắng thế. Họ đã gần như bao vây được cánh tả quân Hy Lạp do Parmenionos chỉ huy, thậm chí một bộ phận kỵ binh của họ còn phá vỡ được tuyến thứ hai của quân Hy Lạp. Nhưng đáng lẽ phải quay trở lại tấn công vào sau lưng đối phương thì đám kỵ binh ấy lại tranh nhau ùa cả vào doanh trại quân Hy Lạp đặt ở phía sau đội hình để vơ vét cướp phá, nhờ vậy mà Parmenionos không bị tấn công từ sau lưng. Tuy nhiên Parmenionos vẫn còn khốn đốn nên buộc lòng phải cho người xin Alexandros cứu viện khẩn cấp. Trong khi chờ đợi, ông vẫn đem hết sức mình ra chống đỡ, không hổ danh một vị danh tướng, đánh lui được nhiều đợt xung phong của đối phương và dần dần ổn định được tình thế. Trong khi ấy quân Ba Tư bắt đầu rối loạn khi nghe tin chủ tướng và đại bộ phận quân đã bỏ trốn. Parmenionos liền chuyển sang phản kích. Thế là toàn bộ cánh quân của Mazaios, kể cả bộ phận đang cướp doanh trại hỗn loạn, đều rút chạy.
Toán quân này đã vấp phải đạo quân Alexandros đang trên đường quay trở về tiếp cứu cho Parmenionos. Một cuộc hỗn chiến ác liệt xảy ra. Quân Ba Tư phải liều chết mà đánh, cuối cùng một bộ phận mở được đường máu chạy thoát. Alexandros chuyển sang truy kích. Cùng với đoàn kỵ binh Alexandros mải miết phóng ngựa đuổi theo Darius III suốt ngày hôm ấy. Mãi đến khi mặt trời lặn, Alexandros mới tạm dừng lại một lát rồi sau đó lại tiếp tục đuổi suốt đêm. Ngày hôm sau, Alexandros tới thành phố Arbela, nơi lương thực khí giới và tiền bạc của Darius III còn chất đống trong kho. Nhưng "chiến lợi phẩm" quan trọng nhất đối với Alexandros Đại đế là Darius III thì không còn nữa: ông ta đã vượt qua dãy núi Kurdistan trốn sang miền Media cùng với tàn quân. Biết không thể đuổi kịp, Alexandros cho ngừng truy kích và chuẩn bị tiến quân về Babylon.[21]
Thương vong
Thương vong giữa đôi bên chênh lệch thật là ghê gớm. Quân Ba Tư không những bị tổn thất tại trận mà còn bị thiệt hại nhiều hơn nữa trong khi bị truy kích, đã xô đẩy nhau để vượt qua một chiếc cầu hẹp bắc qua một con sông nhỏ trên đường chạy về Arbela. Rất nhiều người đã ngã xuống sông và bị dòng nước xiết quấn đi. Thương vong ước tính của quân Ba Tư là khoảng bốn vạn người (theo Rufus). Những con voi chiến cũng bị bắt giữ. Nói chung, đây là một thất bại thảm bại của họ. Trong khi đó quân Hy Lạp chỉ mất khoảng vài trăm người.[22]
Phân tích
Trong trận này thực tiễn cho thấy, nếu như Alexandros không kiên quyết điều khiển thế trận theo như mưu kế đã định, không quyết đoán nhanh và không xử trí khôn ngoan thì không có thắng lợi huy hoàng ở trận Gaugamela này. Dưới đây bàn tới ba tình huống có quan hệ nhân quả.
- Giữa lúc cả hai khối quân sắp giao chiến Alexandros nhận thấy nếu cánh phải quân Hy Lạp cứ đà ấy tiến thẳng thì không những không đánh trúng cánh trái quân Ba Tư như ý định ban đầu của ông, mà có thể sa vào thế "trong miệng cọp" tức là lọt vào chính giữa đội hình của Darius, nơi mà quân Ba Tư tập trung lực lượng mạnh nhất. Do đó không chút do dự, Alexandros đã cho di chuyển chếch sang bên phải. làm như vậy, ông vừa tránh được nguy cơ bị quân Ba Tư bao vây và tấn công cả ba bốn phía, vừa buộc Darius phải tung quân ra đánh vào sườn cánh hữu quân của ông, nơi được chuẩn bị sẵn lực lượng để đối phó, lại thực hiện được đúng ý định ban đầu là đánh vào cánh phải đối phương, quả nhiên Darius đã trúng kế.
- Khi Darius tung 200 xe chiến ra giao tranh nhằm dọn đường cho những đợt xung phong liên tiếp của kỵ binh và bộ binh tràn lên hòng nghiền nát quân Hy Lạp, Alexandros đã bình tĩnh chờ cho đoàn "quái vật" ấy đến gần và khi đã đến đúng tầm hiệu lực của tên và lao, tức thì ông lệnh cho quân cung thủ và quân phóng lao ở đội hình phalanx và cánh hữu quân bắn ra như mưa, mục tiêu nhằm vào người đánh xe và ngựa. Chiến thuật ấy đã làm cho "bảo bối" của Darius bị đập tan. Đó là cách xử trí khôn khéo, một biểu hiện cụ thể của việc phát huy triệt để tính chiến thuật và khắc phục mặt hạn chế của quân Alexandros là không có chiến xa.
- Do mất bình tĩnh, Darius vội vàng điều một lực lượng lớn kỵ binh tiến ra đánh bọc vào sườn quân Hy Lạp. Thế là đội hình cánh trái quân Ba Tư lộ ra một khoảng trống lớn. Với cặp mắt của nhà quân sự tinh tường, Alexandros chớp lấy thời cơ có lợi đó và chỉ để lại một bộ phận đương đầu với các đội kỵ binh Ba Tư đang công kích ở bên sườn, còn đích thân ông dẫn chủ lực cánh hữu quân mau chóng chuyển qua đội hình mũi nhọn có chiều sâu, xông thẳng vào khoảng trống nói trên để rồi từ đó đánh thốc vào sườn đạo trung quân đối phương. Các cụm quân đội hình phalanx ở chính diện lúc này cũng tiến lên công kích quân Ba Tư, và từ bên sườn những chiến binh tinh nhuệ của đội kỵ binh hoàng gia cũng vung kiếm đánh thốc vào. Nó làm cho đại bộ phận quân Ba Tư đang nằm trong vòng vây bị tiêu diệt hoặc bị tan vỡ ra từng mảng tháo chạy tán loạn.
Đó là ba tình huống chủ yếu của trận Gaugamela, nhưng tình huống ba là quyết định nhất. Qua đó, thấy rằng quan hệ giữa mưu kế và thế trận là mối quan hệ hữu cơ, là ý định và biện pháp giải quyết mâu thuẫn và là sự đối chọi tình huống, tạo thời cơ thuận lợi nhất cho trận đánh.[23]
Ý nghĩa
Sau trận này, liên quân Hy Lạp còn phải mất hơn ba năm nữa mới hoàn toàn làm chủ được toàn bộ lãnh địa mênh mông của đế quốc Ba Tư. Nhưng đối với vua Darius III thì trận này là trận quyết định số phận của ông, đồng thời cũng quyết định sự sụp đổ không thể cứu vãn nổi của nhà Achaemenes. Cho đến trước khi bị một quân vương dưới quyền là Bessus sát hại, Darius III hoàn toàn suy sụp về ý chí, đã không đủ nghị lực và khả năng đương đầu với Alexandro trong bất kỳ một cuộc giao tranh nào khác.
Các đạo quân khác của Ba Tư cũng tháo chạy vào lãnh thổ mình, theo thông lệ của các rợ. Những người chỉ huy quân đồn trú và giữ kho báu ở các thủ đô của Ba Tư đã chính thức đầu hàng Alexandros. Trong số đó có Mazaeus - người hùng Ba Tư tại Gaugamela - đã đầu hàng tại Babylon cùng với quan coi kho (gazophylax) Bagophanes, và Alexandros Đại đế đã tiến vào thành phố cổ trong nghi lễ lớn.[8] Bessus đã giết Darius rồi chạy về phía đông. Alexandros truy kích Bessus, cuối cùng ông bắt sống và xử tử Bessus bằng cách xé đôi người vào năm sau. Phần lớn các satrap đương nhiệm đã tuyên bố trung thành với Alexandros, vì thế họ không bị mất chức. Dù vậy, theo quan điểm truyền thống, đế quốc Ba Tư đã sụp đổ sau cái chết của Darius (330 TCN).
Đối với Alexandros Đại đế, trận này chưa phải là chiến thắng lớn cuối cùng của ông. Ông tiếp tục chinh phục đế quốc Ba Tư, vượt qua sông Ấn để tiến quân vào miền tây Ấn Độ, và đánh thắng thêm nhiều trận nữa (xem thêm trận Hydaspes). Nhưng nhìn chung trong toàn bộ sự nghiệp quân sự của ông thì trận này vẫn là chiến thắng nổi bật nhất và tiêu biểu nhất cho nghệ thuật quân sự của ông: đó là nghệ thuật biết tập trung lực lượng ưu thế để tiến công vào hướng và mục tiêu quyết định, nghệ thuật nắm thời cơ và tận dụng thời cơ mà nét tiêu biểu là mưu kế bày thế trận và đối chọi tình huống của ông.[22]
Sử gia Edward Creasy xếp trận Gaugamela vào trong danh sách 15 trận chiến có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử (tính từ trận Marathon tới trận Waterloo).[24]
Trong phim ảnh
Năm 2004, bộ phim sử thi Alexander của đạo diễn Oliver Stone với Colin Farrell trong vai chính đã được ra mắt. Phim chủ yếu dựa trên cuốn sách Alexandros Đại Đế được viết vào những năm 1970 bởi nhà sử học Robin Lane Fox. Trong phim, trận Gaugamela giữa quân đội của Alexandros Đại đế với quân Ba Tư đã được tái hiện. Một số nhà lịch sử học đã phê bình tính chính xác về mặt lịch sử của trận chiến này. Ý kiến của họ là trong phim, dường như Alexandros đã tiêu diệt được Ba Tư chỉ sau một trận chiến duy nhất là Gaugamela, trong khi thực tế ông phải đánh khá nhiều trận để đạt được điều này.[25]
Chú thích
- ^ a b c Stanley Sandler, Ground Warfare: An International Encyclopedia, Tập 1, trang 313
- ^ a b c d Moerbeek (1997) estimates 31.000 phalangites and 9.000 light infantry.
- ^ a b c d Warry (1998) ước tính tổng số là 91.000. Welman thì cho con số 90.000. Delbrück (1978) ước tính 52.000. Thomas Harbottle cho con số tới 120.000 quân Ba Tư.[1] Lưu trữ 2007-10-16 tại Wayback Machine Engels (1920) và Green (1990) cho rằng quân đội của Darius không thể có hơn 10 vạn tại Gaugamela.
- ^ a b c d e History of the Art of War by Hans Delbrück (1990) Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “Delbruck” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ a b Welman
- ^ a b c d e f g The Anabasis of Alexander: The Battle of Gaugamela
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 28-32
- ^ a b Waldemar Heckel, The Wars of Alexander the Great: 336-323 BC, các trang 48-50.
- ^ Ngày nay gọi là Irbil, nằm ở giáp giới giữa Iraq và Iran.
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 33-36
- ^ Moerbeek (1997).
- ^ a b c Curtius
- ^ a b Anabasis 3.11
- ^ a b Anabasis 3.8
- ^ Library of History 17.53
- ^ Saying of Alexander, 12
- ^ Life of Alexander 4.12.13
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 36-38
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 38-39
- ^ a b Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 39
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 39-41
- ^ a b Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 41
- ^ Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Những trận đánh hay trên thế giới (trước công nguyên), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1992, trang 41-43
- ^ Edward Shepherd Creasy, The Fifteen Decisive Battles of the World: from Marathon to Waterloo, chapter 8
- ^ “World: Oliver Stone's 'Alexander' Stirs Up Controversy”. RadioFreeEurope/RadioLiberty. Truy cập 13 tháng 2 năm 2015.
Liên kết ngoài
- Battle of Gaugamela animated battle map Lưu trữ 2012-10-27 tại Wayback Machine by Jonathan Webb
- Livius.org Lưu trữ 2008-09-29 tại Wayback Machine tells the story of Alexander and quotes original sources. Favors a reconstruction of the battle which heavily privileges the Babylonian astronomical diaries.
- Video: Animated reconstruction of Battle of Gaugamela History Channel
- Livius.org Lưu trữ 2008-09-22 tại Wayback Machine provides a new scholarly edition of the Babylonian Astronomical Diary concerning the battle of Gaugamela and Alexander's entry into Babylon by R.J. van der Spek.