Trống cơm là nhạc cụ họ màng rung, chi vỗ của người Việt. Trống cơm có 2 mặt hình tròn bằng nhau, một mặt âm trầm và một mặt âm bổng. Chiều dài của trống vào khoảng 55cm, đường kính khoảng 15 – 17 cm. Hai mặt được căng dây xạ hoặc đóng đinh tre.
Trước khi đánh trống người ta thường lấy cơm nếp hoặc cơm tẻ xoa vào mặt trầm của trống để định âm, tục gọi là cho "ấm tiếng" hài hòa, do đó trống này gọi là trống cơm.
Trống cơm đã đi sâu vào đời sống âm nhạc dân gian người Việt qua bài dân ca Bắc Bộ cùng tên[1].
Nguồn gốc
Từ thế kỷ 10, trống cơm đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý). Chữ Nho gọi là yêu cổ[2] 腰鼓.
Theo An Nam chí lược của Lê Tắc soạn vào thế kỷ 13 thì trống cơm nguyên là nhạc khí của Chiêm Thành, khi dùng thì lấy cơm nghiền ra bôi vào, tiếng trong mà rõ. Trống đó sau du nhập Việt Nam. Cũng tương cận là trống Mridangam ở miền Nam Ấn Độ. Khi đánh thì họ cũng bôi một ít cơm nghiền – hoặc một lớp bột mì trộn nhuyễn như miếng bánh – dán lên làm cho tiếng trống êm ái hơn.
Cấu tạo
Trống cơm có 2 mặt trống hình tròn bằng nhau, đường kính khoảng 15 – 17 cm. Mặt trống bịt da, đường viền buộc bằng dây (dây xạ) kéo từ đầu trống này sang đầu trống kia để chỉnh độ căng giữa 2 mặt trống. Có khi da trống được đóng đinh tre như các loại trống khác.
Tang trống bằng gỗ hình ống tròn dài khoảng 56 – 60 cm, hai đầu hơi khum lại, đường kính ở tang trống đoạn giữa lớn hơn đường kính mặt trống. Tang trống để mộc hoặc sơn đỏ[3].
Có loại trống cơm đường viền đóng bằng đinh tre vào tang trống. Người ta trét cơm (thường là cơm nóng) vào giữa để định âm. Nếu trét nhiều cơm thì âm thanh phát ra trầm, ít cơm thì âm thanh sẽ cao hơn.
Âm thanh
Trống cơm có một mặt trầm và một mặt bổng. Hai mặt trống cách nhau một quãng năm đúng.
Trống cơm có âm thanh vang nhưng mờ đục, diễn tả tốt tình cảm buồn, sâu sắc. Tiếng trống cơm nghe gần giống tiếng đàn Hồ lớn bật dây nên đôi lúc người ta sử dụng nó thay âm thanh đàn hồ lớn trong những âm trầm nhất định nào đó. Tùy theo chất cơm trét mặt trống âm thanh phát ra sẽ có chất lượng tốt hay xấu tương ứng.
Để chỉ âm thanh của trống cơm, người ta thường gọi là âm "tầm vông", "tùng vinh" hay "bung bập bùng".
Kỹ thuật biểu diễn
Để diễn trống này người ta đeo trống bằng 1 dây da quàng qua cổ, đặt trống ngang trước bụng rồi dùng 2 tay vỗ vào 2 mặt trống. Tay trái vỗ vào mặt âm trầm, tay phải vỗ vào mặt âm cao. Trống cơm có kỹ thuật diễn chính như sau:
- Mặt trầm vỗ theo nhịp trường canh (như mõ), mặt bổng vỗ luồn theo tiết tấu của bản nhạc.
- Đánh chập: tay trái bịt mặt bùng, tay phải vỗ mặt bung, sẽ tạo tiếng bập.
- Láy rền: dùng ngón tay hoặc bàn tay vỗ nhẹ liên tục thật nhanh trên mặt trống.
Vị trí trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam
Trống cơm là nhạc cụ quan trọng trong Nhạc lễ Nam Bộ và Tuồng. Còn trong Chèo thì trống cơm chỉ đóng vai trò đánh luồn vào đàn chứ không có bài bản riêng. Nhiều ban nhạc ngày nay cũng sử dụng trống cơm.
Chú thích
- ^ Hương, Phạm Thu (13 tháng 11 năm 2013). “Trống cơm”. Đọt Chuối Non (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024.
- ^ Trần Văn Tích. Sự muôn năm cũ. Toronto, Canada: Làng Văn, 1992. Tr 211-25
- ^ http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn/vietnamese[liên kết hỏng]