Trang này liệt kê các câu hỏi phổ biến kèm câu trả lời của chúng tôi để giúp bạn hiểu thêm về Wikipedia. Xin hãy đọc qua một lượt vì biết đâu những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp dưới đây.
Nếu đây là lần đầu bạn đến với Wikipedia, mời bạn đọc bài chào mừng người mới đến và giới thiệu về Wikipedia. Bạn cũng có thể đọc thêm nhiều câu hỏi hơn nữa ở bên tiếng Anh.
Về Wikipedia
Từ "Wikipedia" ở đâu mà có?
Phần đầu của từ "Wikipedia" có nghĩa là chương trình Wiki, hoặc "wiki wiki" trong tiếng Hawaii có nghĩa là nhanh. Chương trình wiki cho các trang mạng có khả năng sửa đổi, lưu trữ, thêm và xóa nội dung cho người xem. Ý tưởng này được Ward Cunningham phát triển vào những năm 90 của thế kỉ 20. Wiki cho phép tạo ra vô số các liên kết một cách đơn giản, nên loại chương trình này rất hữu ích để nhiều tác giả cùng viết một bài. Phần sau của từ "Wikipedia" là "pedia", đuôi của từ "encyclopedia" trong tiếng Anh có nghĩa là bách khoa toàn thư.
Tại sao dưới logo có khẩu hiệu Bách khoa toàn thư mở?
Gốc của khẩu hiệu trên là "The Free Encyclopedia", với từ The là mạo từ và từ Encyclopedia có nghĩa là bách khoa toàn thư. Tuy nhiên, trong Tiếng Anh, từ free có hai nghĩa miễn phí và tự do. Ở đây, từ tự do có ý nghĩa quan trọng hơn, do Wikipedia cho phép thành viên có quyền sửa bài thoải mái. Ở bên tiếng Việt, chữ "mở" trong khẩu hiệu Bách khoa toàn thư mở là kết quả của cuộc biểu quyết, thay vì dùng chữ tự do để tránh gây hiểu lầm.
Tôi thấy cần "ban chuyên gia" thay cho ý kiến số đông
Wikipedia không phải là nơi thử nghiệm mô hình dân chủ. Mời bạn đọc Wikipedia:Những gì không phải là Wikipedia. Các thảo luận là cơ hội để những người có chuyên môn tìm kiếm đồng thuận của cộng đồng trong một bài viết. Hiện tại "ban chuyên gia" có lẽ không cần thiết, vì giá trị của ý kiến từng thành viên chỉ phụ thuộc vào khả năng kiểm chứng và độ thuyết phục của ý kiến, không phụ thuộc vào ai phát biểu ý kiến đó. Xin mời bạn đăng những gì bạn cho là có ích cho cộng đồng lên đây với chú thích nguồn tham khảo để mọi người và các chuyên gia trong ngành kiểm chứng, sửa chữa, bổ sung.
Làm thế nào đổi tên/xoá tài khoản của tôi?
Để đổi tên, mời xem Wikipedia:Đổi tên người dùng.
Không thể xoá tên người dùng. Nếu một tên bị xoá, tất cả các lượt sửa đổi của người đó không có ai chịu trách nhiệm. Tuy nhiên bạn có thể đổi tên, và yêu cầu xoá trang cá nhân bằng cách thêm mã {{db-user}}
vào đầu trang. Xem thêm Wikipedia:Quyền biến mất.
Về bài bách khoa
Tạo trang mới kiểu gì?
Lập ra một trang mới trên Wikipedia thật ra rất đơn giản. Trước hết, để tránh lặp đề tài, bạn hãy tra cứu xem đề tài của bạn đã có người viết chưa. Cách tra cứu cộng hướng dẫn viết bài mới đều có trong Wikipedia:Bài viết đầu tiên của bạn. Và trong Wikipedia:Thuật sĩ bài viết, bạn sẽ được hướng dẫn cách tạo trang nháp. Tuy nhiên, để viết một bài hữu ích và tồn tại lâu dài, bạn cần phải chăm chút và cắt tỉa bài gọn gàng. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết chất lượng cao của Wikipedia trong danh sách bài viết tốt và bài viết chọn lọc.
Bổ sung hình ảnh kiểu gì?
Các bài viết bách khoa trên Wikipedia có thể được minh họa bằng hình ảnh hoặc tập tin âm thanh cho sinh động và dễ hiểu. Bạn hãy xem qua kho tư liệu có sẵn ở Wikipedia hoặc tại kho tư liệu chung tên là Wikimedia Commons. Một quy định chung là các tư liệu hình ảnh, âm thanh, văn bản đều phải có giấy phép tự do. Sau đó, bạn hãy chèn hình/đoạn âm thanh vào bài theo các hướng dẫn Trợ giúp:Hình ảnh và Wikipedia:Đoạn âm thanh. Nếu không thấy thứ mình cần, bạn có thể tự đăng tư liệu lên. Để đăng tư liệu lên, bạn cần đăng nhập vào tài khoản, ấn nút "Tải lên tập tin" trong phần "Công cụ" ở cột bên tay trái và làm theo hướng dẫn chi tiết trong Trợ giúp:Tải tập tin lên.
Đổi tên bài kiểu gì?
Đầu tiên, xin hãy đọc qua quy định của Wikipedia về tên bài ở Wikipedia:Tên bài. Hướng dẫn chi tiết về cách đổi tên đều có ở các trang Trợ giúp:Di chuyển trang và Wikipedia:Trang đổi hướng. Nói tóm lại, nếu bạn đã đăng nhập, bạn có thể sử dụng nút Di chuyển ở mục "Thêm", bên cạnh hình ngôi sao và các tab. Nếu bạn không muốn tạo tài khoản, bạn hãy vào trang Wikipedia:Yêu cầu di chuyển trang để nhờ các thành viên khác làm hộ.
Thấy bài viết dở thì nên làm gì?
Nếu nội dung bài còn chưa tốt, bạn nên sửa chữa và bổ sung bài đã có thay vì tạo bài mới. Bạn cũng có thể xóa sạch bài cũ đi để viết lại từ đầu nếu bài quá tệ hay hầu hết nội dung bài vi phạm bản quyền.
Tại sao lối hành văn ở một số trang có vẻ lỗi thời?
Vì những người đóng góp trong Wikipedia tiếng Việt đến từ mọi nơi trên thế giới, không chỉ Việt Nam, một số người sinh sống ở nước ngoài không có cơ hội tiếp cận với tiếng Việt hiện đại, không sử dụng tiếng Việt tại Việt Nam. Nếu bạn cảm thấy lối hành văn của một bài nào đó làm nhiều độc giả khó hiểu, xin sửa đổi để hoàn chỉnh bách khoa này. Tuy nhiên, xin tôn trọng cách hành văn của những tác giả trước nếu vẫn có thể hiểu được.
Tại sao tên tác giả lại không có ở mỗi bài viết, rõ ràng ngay dưới tựa đề?
Các bài viết trong Wikipedia, trình bày kiến thức của nhân loại, đều có thể thuộc bản quyền của rất nhiều tác giả. Để biết ai đã đóng góp, bạn có thể nhấn vào lịch sử của trang. Ví dụ, để biết những ai viết bài Vụ Nổ Lớn, nhấn Lịch sử của bài Vụ Nổ Lớn. Tác giả đầu tiên của bài này là Bunhia; có thể so sánh sửa đổi giữa các phiên bản do từng tác giả đóng góp. Để biết Bunhia là ai, nhấn vào liên kết mang tên tác giả này. Để biết tác giả này đã đóng góp như thế nào trong Wikipedia tiếng Việt, nhấn vào nút "Đóng góp của người này".
Đối với các bài viết được lấy lại từ nguồn bên ngoài, đã thông qua sự đồng ý của tác giả, đã có lúc chúng được xếp vào thể loại chứa các bài viết từ cùng một nguồn. Điều này không chỉ có tác dụng tra cứu các bài viết từ cùng một nguồn mà còn thể hiện sự ghi công rõ ràng của Wikipedia với nguồn ban đầu. Tuy nhiên, việc làm này vấp phải một sự phản đối rất lớn của cộng đồng với các lý do như: không cần ghi công như thế, sợ gian lận trong ghi công. Hiện nay, dòng ghi công vẫn được ghi rõ ràng, trong bài viết, trong mục tham khảo, dù vẫn còn một số e ngại về gian lận ghi công.
Còn nhiều trang sơ sài? Chưa có ích gì?
Wikipedia là dự án bách khoa thư được xây dựng tự nguyện bởi chính người đọc, với mục đích là nơi để mọi người tự do "cho" và "nhận" kiến thức. Tại giai đoạn này, hãy còn ít người "cho" nên bạn có thể "nhận" được ít. Những người xây dựng dự án này hy vọng kiến thức tích lũy được ở đây sẽ ngày càng hữu ích cho nhiều người hơn. Nhưng đường đến lúc đó còn dài hay ngắn phụ thuộc hoàn toàn vào cộng đồng. Cách tốt nhất để làm tăng chất lượng bách khoa mở này là tham gia tích cực cùng cộng đồng xây dựng nó. Hãy "chia sẻ" hôm nay, để "nhận" ngày mai!
Nếu ai đó đạo văn thì sao?
Vì tất cả nội dung ở đây đều được phân phối theo giấy phép CC BY-SA 4.0 và GFDL (cho phép người đọc tuỳ ý sao chép sửa đổi văn bản), mọi nội dung có bản quyền trên Internet hay trên sách báo đều phải được tác giả cho phép trước khi trích nguyên văn và đưa lên Wikipedia. Nếu chưa được tác giả cho phép thì đó là vi phạm bản quyền, đạo văn, và cũng đồng nghĩa với việc vi phạm quy định của Wikipedia. Wikipedia làm rất gắt gao về vấn đề bản quyền và chủ trương kiên quyết nói không với vi phạm bản quyền. Các tình nguyện viên hoạt động trên Wikipedia sẽ cố gắng rà soát những bài mới, quét bản quyền bằng các công cụ tìm kiếm để nhanh chóng phát hiện các bài viết đó rồi đề nghị xóa.
Tại sao bài tôi viết lại bị xoá?
Một số lý do hay gặp:
- Có thể là bài bạn viết không tuân thủ theo quyền tác giả (xem câu hỏi bên trên).
- Cũng có thể bài viết chưa đủ độ nổi bật.
- Cũng có thể tên bài viết sai chính tả, hay không theo quy ước về cách đặt tên bài. Nội dung bài bạn viết có thể đã được đưa sang trang khác có tên hợp lệ.
Xem thêm Wikipedia:Tại sao trang của tôi lại bị xóa?
Một bài viết, nếu người khác được sửa có khi ngược lại ý người soạn thì sao?
Một bài viết nếu muốn tồn tại lâu dài trong Wikipedia, nơi ai cũng có quyền sửa đổi, hiển nhiên sẽ phải đạt đến sự đồng thuận của đa số thành viên, thông qua trang thảo luận. Về mặt nội dung, để tìm cách đạt được đồng thuận, chúng ta có thể tham khảo thêm Wikipedia:Thái độ trung lập. Về hình thức, các thành viên được khuyến khích tuân theo Cẩm nang về văn phong.
Tôi không muốn viết đâu, vì sẽ có người phá bài ngay lập tức!
Mọi phiên bản của bài viết đều được giữ trong lịch sử và có thể được nhanh chóng hồi phục khi sửa đổi "phá hoại" được phát hiện bởi công cụ "Thay đổi gần đây". Không phải mọi sửa đổi có vẻ "phá hoại" đều không có ích cho cộng đồng, đôi khi chúng có đóng góp nhất định. Những phiên bản bị phá hoại hay chưa hoàn thiện đủ mức có xu hướng tồn tại ngắn ngủi.
Liệu tôi có đủ trình độ để soạn những bài có tính bách khoa?
Mỗi người có một sở trường, sở thích, có người hiểu biết sâu sắc về một đề tài, có người nắm vững thông tin về một sự kiện nhất định. Những vấn đề đó bạn có thể đóng góp tại Wikipedia tiếng Việt tùy theo khả năng và sở thích của mình. Bạn hãy mạnh dạn tham gia, không có ai là hoàn hảo và bên cạnh bạn còn có cả một cộng đồng Wiki luôn theo dõi, sẵn sàng hỗ trợ mọi đóng góp với mục đích tích cực của bạn.
- Ý kiến của bạn luôn được hoan nghênh tại các trang thảo luận của từng bài viết, nhằm nhắc nhở việc cải tiến nội dung, sửa đổi sai sót, cập nhật thông tin trong bài v.v.
- Bạn hãy tự tin, chịu khó học cách sửa bài để tự sửa đổi bài hoặc viết trang mới theo văn phong Wikipedia.
- Bạn có thể bổ sung nguồn tham khảo, sửa chính tả, văn phong, cấu trúc, thêm hình ảnh minh họa cho bài viết để tăng chất lượng bài.
- Bạn có thể giúp truyền lên hình ảnh để bổ sung vào bài viết, Việt hóa hình ảnh có chú thích bằng ngoại ngữ có sẵn trên Wikipedia.
- Ngoài ra, bạn có thể giúp ở những bài sơ khai, rất sơ khai, đang dịch, những bài có thể vi phạm bản quyền, bài chất lượng kém v.v. để Wikipedia trở thành một tập từ điển bách khoa toàn thư như bạn mong muốn.