Châu Thành
|
|||
---|---|---|---|
Huyện | |||
Huyện Châu Thành | |||
Cổng chào huyện Châu Thành, Tây Ninh | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đông Nam Bộ | ||
Tỉnh | Tây Ninh | ||
Huyện lỵ | Thị trấn Châu Thành | ||
Trụ sở UBND | 935 Đường Hoàng Lê Kha, khu phố 3, thị trấn Châu Thành | ||
Phân chia hành chính | 1 thị trấn, 14 xã | ||
Thành lập | 1986 | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Lê Ngọc Ẩn | ||
Chủ tịch HĐND | Nguyễn Trí Cường | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 11°18′B 106°00′Đ / 11,3°B 106°Đ | |||
| |||
Diện tích | 580,94 km² | ||
Dân số (2019) | |||
Tổng cộng | 140.769 người[1] | ||
Thành thị | 9.515 người (7%) | ||
Nông thôn | 131.254 người (93%) | ||
Mật độ | 242 người/km² | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 708[2] | ||
Mã bưu chính | 70000 | ||
Biển số xe | 70-D1 | ||
Số điện thoại | 02763.878121 | ||
Số fax | 02763.878121 | ||
Website | chauthanh | ||
Châu Thành là một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Địa lý
Huyện Châu Thành nằm ở phía tây của tỉnh Tây Ninh, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và huyện Gò Dầu
- Phía tây giáp Vuơng quốc Campuchia
- Phía nam giáp huyện Bến Cầu
- Phía bắc giáp huyện Tân Biên.
Huyện Châu Thành có diện tích 580,94 km², dân số năm 2019 là 140.769 người[1], mật độ dân số đạt 242 người/km².
Huyện có đường biên giới với Campuchia dài 48 km và có cửa khẩu Phước Tân.
Sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc huyện chia huyện thành hai vùng có diện tích xấp xỉ nhau. Rạch Sóc Om và Rạch Vàm Dình là 2 thượng nguồn của sông Vàm Cỏ Đông.
Diện tích của huyện là 571,25 km². Tổng số dân toàn huyện là 141.875 người, Người Kinh chiếm đa số. Có một phần nhỏ là người Khmer sống phân tán chung với người Việt, không còn chia thành xóm, làng riêng nữa; họ sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và buôn bán, tập trung đông ở vùng biên giới ở các xã Thành Long, xã Biên Giới...
Hiện nay, huyện có khá nhiều người ở Miền Bắc Việt Nam di cư vào Tây Ninh, chủ yếu tập trung tại xã Thái Bình, Trí Bình và Thành Long.
Diện tích đất hoang của huyện khá nhiều, do hệ thống thủy lợi còn chưa phát triển mạnh như ở các huyện phía Nam tỉnh Tây Ninh.
Hành chính
Huyện Châu Thành có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Châu Thành (huyện lỵ) và 14 xã: An Bình, An Cơ, Biên Giới, Đồng Khởi, Hảo Đước, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Long Vĩnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình, Thanh Điền, Thành Long, Trí Bình.
Trong đó TT. Châu Thành và xã Thanh Điền là 2 đô thị có tỉ lệ hộ nghèo thấp, mật độ dân cư, và kinh tế phát triển nhất huyện Châu Thành.
Lịch sử
Sau năm 1975, huyện Châu Thành gồm 11 xã: Biên Giới, Hảo Đước, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Long Vĩnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình, Thanh Điền, Thành Long và Trí Bình.
Ngày 30 tháng 9 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định 80/1998/NĐ-CP[3]. Theo đó:
- Thành lập thị trấn Châu Thành trên cơ sở điều chỉnh 573 ha diện tích tự nhiên và 7.858 nhân khẩu của xã Trí Bình, 182 ha diện tích tự nhiên và 1.100 nhân khẩu của xã Thái Bình
- Thành lập xã Đồng Khởi trên 3.471 ha diện tích tự nhiên và 10.791 nhân khẩu của xã Thái Bình.
Ngày 12 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2004/NĐ-CP[4]. Theo đó:
- Thành lập xã An Bình trên cơ sở 2.221 ha diện tích tự nhiên và 6.485 nhân khẩu của xã Thanh Điền
- Thành lập xã An Cơ trên cơ sở 3.673 ha diện tích tự nhiên và 9.988 nhân khẩu của xã Hảo Đước.
Huyện Châu Thành có 1 thị trấn và 14 xã như hiện nay.
Kinh tế - xã hội
Kinh tế
TT. Châu Thành và xã Thanh Điền là 2 đô thị có tỉ lệ hộ nghèo thấp, mật độ dân số cao, và kinh tế phát triển nhất huyện Châu Thành. Xã Thanh Điền được phê duyệt để trở thành thị trấn Thanh Điền trong giai đoạn 2025 - 2030. Do có vị trí giáp ranh với trung tâm TP. Tây Ninh, TX. Hòa Thành và nằm trên 2 tuyến giao thông huyết mạch đó là ĐT. 786 và QL. 22B. Xã Thanh Điền có mức độ đô thị hóa vượt trội hơn các xã khác của huyện.
Kinh tế của huyện Châu Thành đang phát triển tốt với một số khu du lịch nổi tiếng. Dân số của huyện đa số tập trung tại TT. Châu Thành và xã Thanh Điền. Sông Vàm Cỏ Đông và sông Đình giúp việc trồng lúa nước thuận lợi. Huyện cũng có các khách sạn tốt, và nhiều căn cứ quân sự nổi tiếng. Chợ đầu mối tại xã Thanh Điền đang được kêu gọi đầu tư. Điều này giúp phát triển kinh tế của toàn huyện, và giúp thay đổi bộ mặt của xã Thanh Điền tạo điều kiện để xã trở thành Thị Trấn Thanh Điền trước năm 2030.
-
Ngã tư Thanh Điền nơi giao nhau giữa Tỉnh Lộ 786 và Quốc Lộ 22B
Xã hội
Giáo dục
Tại xã Thành Long có Trường tiểu học Ngô Thất Sơn có nhiều học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.
Huyện dự kiến xây dựng trường THPT Thanh Điền tại xã Thanh Điền.
Giao thông
Quốc lộ 22B chỉ đi ngang qua xã Đồng Khởi, Thanh Điền, An Bình, Thái Bình. Nhìn chung, giao thông của huyện Châu Thành còn chưa phát triển mấy so với các huyện khác trong tỉnh.
Tỉnh lộ 786 đi qua xã Thanh Điền giúp kết nối TP. Tây Ninh, huyện Châu Thành với TT. Bến Cầu và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Chú thích
- ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Tây Ninh”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ Nghị định 80/1998/NĐ-CP thành lập thị trấn và xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh
- ^ Nghị định 21/2004/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc các huyện Châu Thành, Trảng Bàng và điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, tỉnh Tây Ninh