Charles Joseph của Áo | |||||
---|---|---|---|---|---|
![]() Đại công tước Charles Joseph của Áo | |||||
Đại vương công của Áo | |||||
Tại vị | 1 tháng 2 năm 1745 - 18 tháng 1 năm 1761 | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 1 tháng 2 năm 1745 Cung điện Schönbrunn, Viên, Áo, Đế quốc La Mã Thần thánh | ||||
Mất | 18 tháng 1 năm 1761 (15 tuổi) Cung điện Schönbrunn, Viên, Áo, Đế quốc La Mã Thần thánh | ||||
An táng | Hầm mộ Hoàng gia | ||||
| |||||
Hoàng tộc | Nhà Habsburg-Lorraine | ||||
Thân phụ | Franz I của Thánh chế La Mã | ||||
Thân mẫu | Maria Theresia của Áo | ||||
Tôn giáo | Công giáo La Mã |
Charles Joseph của Áo (tên đầy đủ tiếng Đức là Carl Josef Emanuel Johann Nepomuk Anton Prokop von Österreich; 1 tháng 2 năm 1745 – 18 tháng 1 năm 1761), là đứa con thứ bảy của Hoàng hậu Maria Theresa và chồng bà, Francis I, Hoàng đế La Mã Thần thánh.
Là một thành viên của Nhà Habsburg-Lothringen.
Ông là anh trai của hai vương hậu tương lai là Maria Karolina, Vương hậu của Hai Sicilie và Maria Antonia, Vương hậu nước Pháp.
Charles được vua cha phong tước hiệu Đại vương công Áo (Erzherzog von Österreich), Hoàng tử các xứ Böhmen, Ungarn và Toskana (Prinz von Böhmen, Ungarn und der Toskana).
Ông qua đời ở tuổi 15 vì bệnh đậu mùa.[1]
Đầu đời

Đại công tước Charles Joseph chào đời vào ngày 1 tháng 2 năm 1745 tại cung điện Schönbrunn ở Viên. Ông là con trai thứ hai và là người con thứ bảy của Hoàng hậu Maria Theresa - con gái của Hoàng đế Karl VI. Cha ông là Hoàng đế Francis I, con trai của Leopold, Công tước xứ Lorraine.
Charles Joseph ra đời trong thời kỳ chiến tranh kế vị Áo. Ngay từ khi chào đời, ông đã được định sẵn sẽ trở thành Đại công tước của Toscana, (một tước hiệu dành cho người đứng đầu và cai trị Đại công quốc Toscana), người ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào ông. Bản thân cậu bé cũng thấm nhuần tầm quan trọng về số phận hoàng tử của mình.[2]
Với việc người anh trai cả của ông ra đời vào năm 1741, sự kế vị ngai vàng đã được đảm bảo, và sự ra đời của đại công tước Charles củng cố tính hợp pháp của mẹ ông đối với các lãnh thổ thừa kế của Nhà Habsbourg, vốn đang bị các quốc vương châu Âu tranh chấp.

Charles Joseph là người con trai được yêu quý nhất của Maria Theresa và Francis. Ông nổi tiếng là rất ghét anh trai mình, người sau này trở thành Hoàng đế Joseph II. Charles thường chế giễu Joseph vì tính kiêu căng và tin rằng mình xứng đáng với vương miện của Đế chế La Mã Thần thánh hơn, bởi ông là người con trai đầu tiên được sinh ra khi Maria Theresa đã là hoàng hậu. Ông nhiều lần tuyên bố rằng sẽ tranh giành ngai vàng với anh trai mình.
Trái ngược với Joseph, người sau này nổi tiếng là nghiêm nghị và xa cách thì Charles lại được xem là cởi mở, hoạt bát, thân thiện, dễ được yêu mến và có khả năng gây thiện cảm với những người xung quanh. Với sự duyên dáng và thông minh, ông nhanh chóng trở thành đứa con cưng của cha mẹ, chiếm được tình cảm và sự kính trọng của các anh chị em cũng như toàn bộ triều đình.
Cái chết

Sự ganh đua giữa hai anh em chấm dứt khi Charles Joseph qua đời sớm vì bệnh đậu mùa, chỉ hai tuần trước sinh nhật lần thứ 16 của mình.
Với người anh trai lớn hơn bốn tuổi là Joseph, người kế vị ngai vàng, Charles đã nói:
“ Anh thân yêu, em còn phải tạ lỗi với anh, nếu như vì sự thiếu suy nghĩ tuổi trẻ mà em đã từng làm anh phiền lòng hay nổi giận.”
Khi mẹ ông đang ngồi bên giường bệnh, rơi nước mắt vì thương con, Charles Joseph đã nói:
“ Mẫu thân, người đừng khóc vì con, mẫu thân yêu dấu, vì nếu con còn sống, con sẽ còn khiến mẫu thân sẽ còn rơi nhiều nước mắt hơn nữa!”[3]
Charles Joseph qua đời vào ngày 18 tháng 1 năm 1765 và được an táng tại Hầm mộ Hoàng gia (Kaisergruft) ở Viên. Trái tim của ông được chôn cất riêng biệt tại Hầm mộ Habsburg trong nhà nguyện Loreto của nhà thờ Augustinerkirche ở Viên. Việc ông mắc bệnh đậu mùa, căn bệnh vốn là tai họa của nhà Habsburg và qua đời đã khiến cha mẹ ông chịu một cú sốc nặng nề. Ông đã chịu đựng cơn bệnh với tinh thần anh dũng phi thường. Ông nhắn với cha mẹ rằng:
“ Con là đại tá của một trung đoàn kỵ binh, và con không muốn làm ô danh bệ hạ.”[2]
Nếu ông sống sót hoặc tránh khỏi căn bệnh đã cướp đi mạng sống, rất có thể ông sẽ trở thành Charles VI, Hoàng đế La Mã Thần thánh, kế tiếp sau khi người anh cả của ông, Joseph II, qua đời vào năm 1790.
Charles được xem là người vô cùng có tài. Nỗi bàng hoàng và thương tiếc của triều đình trước cái chết của ông vượt xa mọi chuẩn mực thường thấy. Hoàng đế và hoàng hậu đã làm một điều hiếm hoi là đã lui về, không tham dự các sinh hoạt triều chính suốt nhiều ngày.
Quan tài
Quan tài của Karl Joseph được làm bằng đồng, một tác phẩm được chạm khắc công phu của nghệ nhân Moll được đặt trên một bệ đá cẩm thạch, nâng đỡ bởi bốn con đại bàng và hai chân uốn lượn kiểu phong cách Rococo. Bốn đầu chim Ibis (Cò quăm), biểu tượng của sự phục sinh, được dùng làm tay cầm.[2]
Ở trung tâm mặt bên phải là một phù điêu chân dung của đại công tước với dòng khắc:
Carolus Archidux Avst. – Karl, Đại công tước Áo[2]
Ở mặt bên trái, một con sư tử đặt chân phải trước lên quả cầu số mệnh. Chân trái nó cầm một chiếc gương tay bị hai con rắn quấn quanh.
Dòng chữ khắc:
Prudenter ac fortiter. – Khôn ngoan và dũng mãnh.[2]
Nắp quan tài phủ bằng áo choàng đại công tước được xếp thành những nếp gấp phong phú. Ở đầu quan tài đặt một chiếc gối được trang trí cầu kỳ, trên đó là chiếc mũ đại công tước kiểu mới. Đây là lần đầu tiên chiếc mũ mới của đại công tước Áo với 14 chóp ngọc trai được thể hiện trong nghệ thuật. Bên cạnh đó là vương miện, Huân chương Lông Cừu Vàng, quyền trượng nguyên soái và thanh gươm Pallasch, tất cả được xếp chéo trong vòng nguyệt quế.[2]
Dòng chữ khắc trên quan tài (dịch từ tiếng Latinh):
AMORI. ET. DOLORI. SACRUM. NON. TOTUS. HIC. SEPELITUR. CAROLUS. QUIS. ENIM. LOCUS. TANTUM. TALEMQ. CAPIET. PRINCIPEM. ANN. PUB. SAL. MDCCXLV. KAL. FEB. IN. DECUS. SUAE. GENTIS. EXARSIT.
MDCCLXI. XV. K. FEB. SPIRITU. VERE. HEROICO. FESTINAVIT. AD. GAUDIUM. QUOD AUFERRI. NUNQUAM. POTERIT. MORS. IPSA. DILECTIS. ET. ELECTIS. DOMINI. SOMNUS. EST. REFRIGERII.[2]
Nghĩa là :
Dâng tặng cho tình yêu và nỗi đau. Karl không hoàn toàn được chôn cất tại đây. Vì nơi nào có thể chứa đựng một vị vương tử vĩ đại và ưu tú đến thế? Vào năm cứu thế 1745, ngày 1 tháng Hai, chàng bùng cháy như một ánh sáng rực rỡ của dân tộc mình.
Đến năm 1761, ngày 18 tháng Một, với tinh thần anh hùng thực thụ, chàng vội vã bước đến niềm hoan lạc không bao giờ bị tước mất. Cái chết, đối với những người được Chúa yêu thương và tuyển chọn, chỉ là một giấc ngủ ngọt ngào của sự nghỉ ngơi.[2]