Xuân Hưng là một xã thuộc tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Trụ sở xã nằm cách phường Hoa Lư - trung tâm tỉnh lỵ Ninh Bình 47 km về phía Đông.
Theo Nghị quyết số 1674/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025,[1] sắp xếp các xã Xuân Vinh, Trà Lũ và Thọ Nghiệp thành xã mới có tên gọi là xã Xuân Hưng.
Xã Xuân Hưng có diện tích: 23,17 km², dân số: 53.539 người, mật độ dân số: 2311 người/km². Đây là đơn vị có diện tích xếp thứ: 91 , số dân xếp thứ: 7 và mật độ dân số xếp thứ: 4 trong số 129 xã, phường ở Ninh Bình.
Địa lí tự nhiên
Các thôn làng cổ
Các làng cổ của xã Xuân Hưng được thành lập từ khoảng cuối thế kỷ XV thời Lê đến thời Nguyễn. Đầu tiên là các trang ấp, hình thành ở vùng bãi bồi cửa biển sông Sò (sông Ngô Đồng) là dòng chính của sông Hồng cổ, tới khi sông Hồng chuyển dòng sau kiện "Ba Lạt phá hội" năm 1787[2], các sông chi lưu khác như Cát Xuyên (Cát Xuyên), sông Trà (Trà Giang) cũng gắn bó chặt chẽ với lịch sử lập làng cổ Xuân Hưng. Buổi ban đầu lập ấp, người dân chọn các cồn gò cao làm nơi quần cư, chọn dải ruộng tốt để canh tác trước nên ruộng đất các làng không phân biệt xa gần, đan xen vào nhau, tục gọi là "cài răng lược".

Khi hệ thống đê điều, thủy lợi ổn định dân số đông, kinh tế phát triển thì các trang ấp được nâng thành thôn làng, làng lớn thành các xã, rồi lại tách thành các thôn làng nhỏ. Từng thời kỳ lịch sử, việc chia tách sáp nhập hành chính có lúc nâng thành xã, có lúc xuống thành thôn. Hiện nay, các làng cổ được cộng đồng dân cư quản lý theo thiết chế văn hóa cộng đồng.
Xuân Hưng gồm có các làng cổ Trà Lũ Trung (Trà Trung), Trà Lũ Bắc (Trà Bắc), Trà Lũ Đông (Trà Đông), Trà Lũ Đoài (Trà Đoài), Phú Nhai, Trà Khê Thủy (Trà Thủy), Lạc Nghiệp, Quần Cống (Thiên Thiện), Nhân Thọ, Tự Lạc, An Cư (Bình Cư, Yên Cư), Nam Điền, Quần Nung.
Làng Trà Lũ cổ được hình thành từ khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470), từ các nhóm cư dân Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ Tĩnh... di cư đến. Trà Lũ ban đầu có 3 thôn Bắc, Trung, Đông. Làng Trà Lũ Trung có họ Trần, Hoàng, Phạm, Lưu (sau này họ Lưu chuyển về làng Trà Bắc); Trà Lũ Bắc có họ Bùi, Đỗ, Vũ, Nguyễn, Lê, Mai (sau này có họ Mai Đinh, họ Trần chi trừ Trà Trung đến); Trà Lũ Đông có họ Phan, Lê, Hoàng, Phạm, Đỗ, Bùi, Khổng, Đinh (sau này thêm hai họ Vũ và họ Trần).

Năm Thành Thái thứ nhất (1889) do việc tăng đinh, mà các Giáp giáo - Họ đạo (theo đạo Công giáo) của Trà Lũ hợp thành thôn Đoài - Trà Lũ Đoài. Hiện nay, là các giáo họ Công giáo trong Trà Lũ đang lệ vào xứ Phú Nhai.
Năm Duy Tân thứ 9 (1915), 4 thôn của xã Trà Lũ tách thành 4 xã: Trà Lũ Trung, Trà Lũ Bắc, Trà Lũ Đông, Trà Lũ Đoài thuộc tổng Trà Lũ.[3]
Làng Nam Điền thuộc tổng Trà Lũ, có các họ Ngô, Đoàn, Trần, Phạm, Bùi, Doãn, Đinh... nguyên xưa là ruộng chung của Trà Lũ, ruộng này cấp cho binh lính của làng cày cấy. Đến năm Thành Thái thứ ba (1891), Nam Điền tách thành xã hiệu riêng gồm các thôn Thượng, Trung, Nam.[3]
Làng Phú Nhai là một trại cũ thuộc tổng Thủy Nhai, có vị thế đặc biệt ở giữa làng Trã Lũ, địa hình thấp trũng hơn xung quanh. Khu vực Phú Nhai là một "vụng thuyền chài" được người họ Đinh từ Thủy Nhai xuống khai phá[4]. Đến thời Nguyễn thì lập thành xã riêng, dân cư theo đạo Công giáo toàn tòng, còn số dân không theo đạo thì chuyển cư sang xứ Sài Nội - Trà Lũ Trung, Trà Lũ Đông và di cư đi Đông Trà - Thái Bình.[5]
Làng Trà Thủy (Trà Khê Thủy thôn) có các họ Nguyễn, Đỗ, Đặng, Phạm, Đinh lập ấp từ niên hiệu Hồng Đức 1470 thuộc tổng Trà Lũ. Năm Hồng Đức mười hai (1481) được công nhận xã hiệu (cùng làng Trà Khê Cựu, nay thuộc Xuân Giang)[6]
Làng Quần Cống (Thiên Thiện) khoảng năm 1428 cụ tổ họ Phạm người làng Hạ Đoạn (Hải Dương) đến lập nghiệp ở vùng Mả Màn (đồng Thổ). Năm 1431, cụ Nguyễn Tuệ, cụ Ngô Thức và cụ Đỗ Phúc Lãng từ kinh đô đến lập nghiệp ở ấp Đồng Thiện, khi dân cư đã đông chính quyền công nhận xã hiệu Quần Cống. Đến năm 1831, trong thời kỳ sát đạo Gia-tô, tổng đốc Nam Định tâu với nhà vua đổi Quần Cống thành Thiên Thiện xã, thuộc tổng Trà Lũ.[7]
Làng Lạc Nghiệp thuộc tổng Trà Lũ, từ trước năm 1428 đã có một số người từ Hải Dương đến lập ấp,. Tiếp đến có cụ Tả đô đốc Trần Quý Uân, quan Bộ Lại là Nguyễn Hữu Dụ và quan Vệ úy là Phạm Tây đến xem xét việc khẩn hoang. Sau đó cụ Ngô Liễn đứng đầu, đưa 94 dân đinh đến khai phá đến năm Hồng Đức thứ hai (1471) chính thức "chiếm xạ" thành lập Lạc Nghiệp trang. Năm Thiện Đức (1600) thì chuyển định cự về khu vực hiện nay. Làng Lạc Nghiệp có các họ Ngô, Trần, Phạm, Nguyễn, Đinh, Lê, Bùi, Lại, Vũ muộn hơn có họ Hứa, họ Đặng xuống khai khẩn. Sau này, cư dân Lạc Nghiệp còn khai lập lên thôn Quần Nung và Đoài Nam (thuộc Xuân Hòa) và thôn Chí Thiện (thuộc Giao Thủy).[7]
Làng Tự Lạc vào đầu triều Nguyễn, các cụ Ngô Văn Phú, Ngô Văn Tề, Trần Văn Hoàng từ thôn Lạc Nghiệp ra khai khẩn lập thành giáp Tự Lạc, về sau mộ thêm dân đinh ở nơi khác đến thành lập ấp Tự Lạc. Năm 1829, quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cho phép trưng 100 mẫu thành lập xã Tự Lạc, thuộc tổng Hoành Thu, huyện Giao Thủy. Năm 1936, làng Tự Lạc cắt chuyển về phủ Xuân Trường.[7]
Làng Nhân Thọ được hai khẩn từ thời Hồng Đức, trước là cánh đồng xứ Hạ Đa, thuộc xã Hoành Vực (tức làng Thọ Vực) nhưng chỉ là một trại chưa có người ở. Đến thời Cảnh Hưng (1740-1789) cụ Lê Công Tâm cùng con trai là Lê Phúc Hạnh từ Thọ Vực xuống định cư. Sau đó, một số dân cư xuống tiếp, lập thành lân Thái Bình. Năm Thành Thái thứ tư (1892), thành lập thôn Nhân Thọ thuộc xã Hoành Vực, thuộc tổng Trà Lũ.[7]
Làng An Cư từ niên hiệu Hồng Đức các cụ tổ họ Vũ, Đặng, Đỗ, Trần... đến khai hoang lập ấp. Ban đầu có tên là Bình Cư, thuộc tổng Thủy Nhai, ở vị trí giữa làng Hạ Linh và Trà Bắc. Đến thời Nguyễn làng cắt đổi đất cho cư dân Trà Lũ và chuyển xuống định cư ở phần ruộng đất phía nam hiện nay.
Khoa cử và giáo dục
Kinh tế và làng nghề
Di tích lịch sử cách mạng

Đền - chùa Tự Lạc (Thái An tự) - Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ba huyện phía đông nam tỉnh Ninh Bình (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu)
Đền Tự Lạc ban đầu đắp đất, mái lợp tranh bổi. Năm Đinh Hợi (1887) xây dựng kiểu chữ Đinh, đến năm Ất Sửu (1926) thì tu sửa lớn. Đền thờ thành hoàng là anh hùng dân tộc Triệu Việt Vương chống quân Lương vào thế kỷ thứ VI và các vị thủy tổ, tiên công lập làng Tự Lạc.[8]
Chùa Tự Lạc thờ Phật, tên chữ là Thái An tự, được xây dựng từ năm Quý Mão (1843), tu bổ lớn vào năm Ất Sửu (1925), chùa kiến trúc kiểu “tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh” gồm 3 tòa: tiền đường, trung đường và cung cấm được lợp ngói nam, tường trụ xây gạch, rường hoành bằng gỗ lim.[9]
Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, nhiều người dân làng Tự Lạc đã tình nguyện tham gia đội quân nghĩa dũng của cụ đốc học Phạm Văn Nghị vào Nam đánh Pháp. Sau này, các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được thanh niên nơi đây tham gia nhiệt tình.
Tháng 9-1927, Hương sư làng Lạc Nghiệp là thầy giáo Nguyễn Trường Thúy, quê gốc Nghệ An, có tinh thần cách mạng đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được phân công về xã Tự Lạc dạy học. Khi về xã, thầy giáo liên lạc với cụ Nguyễn Xuân Lầm, người được chỉ định làm liên lạc viên giữa tỉnh và các huyện phía nam tỉnh. Hai cụ đã vận động thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở địa phương với 6 người, gồm: ông Nguyễn Xuân Lầm (tức Trọng) làm Tổ trưởng, cụ Trịnh Thế Rĩnh (tức Cựu Rĩnh), thầy giáo Trịnh Thế Cửu (tức Tứ) ở Tự Lạc; thầy giáo Nguyễn Trường Thúy (tức Kiếm Sơn); Vũ Quý Huỳnh (tức Trà) và Hồ Gia Tưởng (tức Hoa) ở Giao .
Tháng 6-1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Định; Cũng thời điểm này, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Tự Lạc đã tuyển chọn hội viên chuyển thành tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng với 3 người là cụ Nguyễn Xuân Lầm, cụ Nguyễn Trường Thúy và cụ Phạm Ry, do cụ Nguyễn Trường Thúy làm Bí thư. Chi bộ được đồng chí Nguyễn Hới - Bí thư tỉnh ủy Nam Định trực tiếp chỉ đạo nên hoạt động rất hiệu quả.
Ngày 3-2-1930, sau khi Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng tại Tự Lạc được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến cuối năm 1930, chi bộ đã có 14 đảng viên.[8]
Từ đây, chùa Tự Lạc trở thành trung tâm hoạt động của Đảng ở khu vực các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Vân, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ)… thường xuyên qua lại chùa Tự Lạc để chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương.
Tối 20-8-1945, tại chùa Tự Lạc, các đồng chí: Nguyễn Xuân Lầm, Nguyễn Xuân Kỷ (ở Tự Lạc), Bùi Gia Sơ, Trần Gia Lũy, Bùi Đắc Biên (ở Lạc Nghiệp), Phạm Cương (ở Hà Cát), Tô Quang Giáp (ở Hoành Nhị), Vũ Quý Huỳnh (ở Ngô Đồng), Đinh Thúc Dự (ở Đông An), Lê Thành (ở Hội Khê), Hoàng Thọ Tiễu (ở Xuân Bảng), Vũ Xứng, Vũ Đức Phương (ở Hoành Nha) đã họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy.[9]
Suốt đêm 20-8-1945, tổ Việt Minh ở Tự Lạc và Lạc Nghiệp phân công nhau may cờ đỏ sao vàng, chuẩn bị vũ khí, huy động lực lượng quần chúng. Ngày 21-8-1945, trước khi đoàn khởi nghĩa xuất phát đã tổ chức làm lễ thượng cờ tại sân chùa với 51 đồng chí, rồi chia thành hai mũi đi cướp chính quyền tại Xuân Trường và Lạc Quần, sau đó hợp quân xuống chiếm đồn địch tại huyện lỵ Giao Thủy.
Nhà sư Thích Thanh Điến trụ trì chùa Tự Lạc tích cực tham gia kháng chiến, nuôi dấu cán bộ cách mạng anh dũng hy sinh ngày 23/08/1953.[8]
Với những giá trị lịch sử, ngày 26-2-2003, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định công nhận di tích đền chùa Tự Lạc là Di tích lịch sử văn hóa[10]
Di tích tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội
- Chùa Linh Quang - Trà Lũ Trung được xây dựng từ thời Hậu Lê. Chùa là chốn tổ của sơn môn Linh Quang - Trà Lũ Trung với hơn 300 cơ sở tự viện trong và ngoài nước, trụ sở trường hạ Phật giáo vùng Xuân Trường.[11]
- Nhà thờ Phú Nhai kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội là quan thầy đệ nhất giáo phận Bùi Chu, hoàn thành xây dựng năm 1933. Năm 2008, tòa thánh Vatican phong là Tiểu vương cung thánh đường. Gần nhà thờ còn có tu viện của các nữ tu dòng Đa minh Phú Nhai.
- Đền Trần - Trà Lũ thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
- Đền làng Trà Lũ Trung thờ thành hoàng Đại Phạn tôn thần (tức An Dương Vương).
- Đền làng Trà Lũ Bắc thờ thành hoàng Huệ Trân công chúa (tức Đào Trân, nữ tướng thời Hai Bà Trưng). Năm 2006, tỉnh Nam Định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
- Đền làng Trà Lũ Đông thời thành hoàng Hinh Long đại vương. Năm 2023, tỉnh Nam Định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh[12]
- Đền làng Trà Thủy xây dựng năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) thờ 2 vị thành hoàng Đông Hải Đoàn đại vương và Nam Hải Phạn đại vương cùng tứ Tổ lập làng.[6]
- Đền làng Tự Lạc thờ anh hùng dân tộc Triệu Việt Vương.[9]
- Đền làng An Cư thờ thờ thủy tổ Vũ Phúc Diễn và hai vị thần Nam Hải Đại vương và Linh Lang Đại vương. Năm 1992, nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.[13]
- Đền thôn Trung làng Nam Điền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão. Năm 2015, tỉnh Nam Định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.[14]
Danh nhân
Phan Bá Vành (?-1827) là thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân từ 1821-1827, quy tụ đông đảo lực lượng nông dân khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chống lại áp bức của triều đình nhà Nguyễn. Ông sinh ra ở làng Minh Giám (Thái Bình), có gốc là cháu đời thứ 11 họ Phan làng Trà Lũ Đông. Khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ căn cứ chính đóng tại Trà Lũ (Nam Định), quy tụ nhiều người Trà Lũ như Hai Đáng, Trần Bất Hựu, Phan Khánh...
- ^ Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025
- ^ "Biến động cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn trong thời kỳ cận đại và ảnh hưởng của chúng tới diễn biến bồi tụ xói lở khu vực Hải Hậu - Nam Định". Biến động cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn trong thời kỳ cận đại và ảnh hưởng của chúng tới diễn biến bồi tụ xói lở khu vực Hải Hậu - Nam Định. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2025.
- ^ a b admin (ngày 24 tháng 7 năm 2024). "Trà Lũ xã chí – THƯ VIỆN TỈNH NAM ĐỊNH". Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2025.
- ^ CHU, GIÁO PHẬN BÙI (ngày 16 tháng 12 năm 2024). "Tìm hiểu về địa danh Trà Lũ, Phú Nhai..." GIÁO PHẬN BÙI CHU. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2025.
- ^ Hiên, Đinh Thị Thùy (ngày 15 tháng 6 năm 2007). "Vài nét về xã Trà Lũ (Nam Định) đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ". VNU Journal of Science: Social Sciences and Humanities (bằng tiếng Anh). Quyển 23 số 2.
- ^ a b Ký sự làng quê - Làng Trà Thủy, Tác giả Đỗ Đức Tặng, năm 2016.
- ^ a b c d Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Nghiệp, xuất bản năm 2008. từ trang 6 đến trang 12
- ^ a b c Hồ sơ di tích đền chùa Tự Lạc. Sở văn hóa thông tin tỉnh Nam Định năm 2002
- ^ a b c "Chùa Tự Lạc (Thái An Tự – Xuân Trường, Nam Định)". Chốn Thiêng. ngày 13 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.
- ^ "Chùa Tự Lạc - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên". baonamdinh.vn. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.
- ^ "Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự khoá I và ra mắt khoá II Hệ phái Linh Quang-Trà Lũ Trung". phatgiaonamdinh.vn. ngày 1 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.
- ^ "Request Rejected". xuantruong.namdinh.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.
- ^ "Đền An Cư - Nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống". baonamdinh.vn. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.
- ^ "Các di tích lịch sử - văn hóa ở Xuân Vinh". baonamdinh.vn. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2025.