Rạch Giá
|
|||
---|---|---|---|
Thành phố thuộc tỉnh | |||
Thành phố Rạch Giá | |||
Biệt danh | Thành phố biển Tây | ||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh | Kiên Giang | ||
Trụ sở UBND | 38 Lê Lợi, phường Vĩnh Thanh Vân | ||
Phân chia hành chính | 10 phường, 1 xã | ||
Thành lập | 26/7/2005 | ||
Loại đô thị | Loại I | ||
Năm công nhận | 2025[1] | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Nguyễn Văn Hôn | ||
Chủ tịch HĐND | Nguyễn Văn Nhỏ | ||
Bí thư Thành ủy | Nguyễn Thanh Phong | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°1′35″B 105°6′20″Đ / 10,02639°B 105,10556°Đ | |||
| |||
Diện tích | 105,86 km² | ||
Dân số (2024) | |||
Tổng cộng | 232.898 người[2] | ||
Mật độ | 2.217 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh, Hoa, Khmer | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 899[3] | ||
Mã bưu chính | 920000 | ||
Mã điện thoại | 0297 | ||
Biển số xe | 68-X1-S1 | ||
Website | rachgia | ||
Rạch Giá là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
Địa lý
Thành phố Rạch Giá nằm ở trung tâm tỉnh Kiên Giang, có vị trí địa lý:
- Phía đông và phía nam giáp huyện Châu Thành
- Phía tây giáp vịnh Thái Lan
- Phía bắc giáp huyện Hòn Đất và huyện Tân Hiệp.
Thành phố có diện tích 105,86 km², dân số năm 2020 là 228.416 người[2], mật độ dân số đạt 2.158 người/km².
Thành phố Rạch Giá có trung tâm đô thị nằm trải dài bên bờ Đông vịnh Thái Lan với 20 km đường bờ biển, chiếm 1/10 chiều dài bờ biển của tỉnh Kiên Giang. Được bao quanh bởi sông Kiên ở phía Bắc và Đông Bắc, sông Cái Lớn ở phía Nam. Rạch Giá cách Thành phố Hồ Chí Minh 245 km về hướng Tây Nam, cách Cần Thơ 116 km về hướng Tây và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên 95 km về hướng Đông Nam.
Điều kiện tự nhiên
Do đặc điểm về điều kiện địa lý và tự nhiên, Vịnh Thái Lan – Rạch Giá là một miền biển trù phú, được biết đến xưa nay với kinh tế rất phong phú, đa dạng. Đó là thương mại-dịch vụ và du lịch, khai thác và chế biến hải sản. Rạch Giá cung cấp cho nhiều nơi trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Rạch Giá, tuy không có bãi cát, không có đảo, nhưng nếu du khách đến Rạch Giá bằng đường bộ, sau những cảnh quang mênh mông của ruộng lúa phì nhiêu ở các vùng phụ cận, du khách sẽ cảm nhận được hương vị của biển.
Vị trí thích hợp là dọc theo tuyến ven biển thuộc khu lấn biển 420 ha và khu 16 để ngắm nhìn ra biển vào buổi chiều sẽ thấy mặt trời hoàng hôn đỏ rực về phía biển Tây. Xa xa lô nhô những đảo lớn nhỏ ẩn hiện trên nền xanh của biển. Những tàu đánh cá lướt sóng chập chùng. Những vạt cây rừng của vùng ngập mặn xanh ngát ven bờ...
Tất cả hòa trộn nên cảnh sắc "Hoàng hôn biển Tây" thơ mộng và quang cảnh đặc trưng của Rạch Giá trong quần thể vùng đất Biển – Đảo Kiên Giang.
Kênh rạch và sông ngòi
Trong thành phố không có sông lớn, chỉ có các kênh đào như:
- Kênh Rạch Giá - Long Xuyên (kênh Thoại Hà): nối liền thành phố Rạch Giá với thành phố Long Xuyên, phần thuộc Kiên Giang dài 30 km. Từ một con rạch tự nhiên, được đào vét mở rộng thành kênh vào năm 1818.
- Kênh Cái Sắn (kênh Rạch Sỏi đi Vàm Cống): dài 54 km, đưa nước từ sông Hậu đến kênh Ông Hiển đổ ra cửa Rạch Sỏi, phần thuộc Kiên Giang dài 28 km. Kênh Cái Sắn là hệ thống thuỷ lợi đảm bảo năng suất và sản lượng cao cho vùng lúa lớn thuộc ba huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng và Châu Thành. Kênh cũng là trục giao thông thuỷ đi các tỉnh lân cận và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kênh Ông Hiển: dài 18 km từ Rạch Giá đến sông Cái Bé, rộng 30 m, sâu từ 2 đến 3 m.
- Kênh Rạch Giá - Hà Tiên: dài 80 km, nối liền thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên, rộng từ 20 đến 30 m, sâu 3 m. Hai bên kênh có nhiều kênh đào, rạch ăn thông ra biển như các kênh Ba Hòn, Vàm Rầy, Lình Huỳnh, Vàm Răng,...
Ngoài các kênh nói trên, còn có nhiều rạch tự nhiên và kênh nhỏ như rạch Giồng, rạch Vàm Trư, rạch Tà Mưa, rạch Tà Keo, rạch Đường Trâu, rạch Tắc Ráng, kênh Đòn Dông, kênh Cống Đôi,... Các kênh rạch lớn nhỏ trên địa bàn thành phố chi phối lẫn nhau về mực nước và lưu lượng. Nó vừa chịu tác động thủy văn của sông Hậu, vừa chịu ảnh hưởng thủy triều của vịnh Rạch Giá.
Địa hình, địa chất và thổ nhưỡng
- Địa hình của thành phố bằng phẳng, có độ cao từ 1m đến 2m so với mặt biển theo hướng thấp dần từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam.
- Cấu trúc địa chất của Rạch Giá theo dạng trầm tích đệ tứ, cách đây hàng chục ngàn năm do nguồn địa thành bởi nền đá mẹ tại chỗ và do thủy thành bởi phù sa lắng đọng.
Về địa chất, công trình mới sơ bộ thăm dò cho thấy địa tầng có cấu tạo sét pha cát ở độ cao từ 0,5m đến 60m. Nước ngầm trong lòng đất hình thành do nhiều nguồn khác nhau nên có chỗ mặn, chỗ chua lợ, cũng có chỗ nước ngọt cách mặt đất vài ba mét.
- Các loại đất ở Rạch Giá do ở sát bờ biển và thuộc khu vực tứ giác Long Xuyên nên vừa chịu mặn lại vừa phèn.
Đất mặn chiếm đến 6,231 km2 trong toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố, thuộc các phường Vĩnh Quang, Vĩnh Lạc, An Hoà và Rạch Sỏi. Hàm lượng muối trong đất có đến 0,3% vào mùa khô, song đến mùa mưa thì giảm đi 1/2 nên có thể tận dụng nước mưa để canh tác lúa hai vụ và trồng cây ngắn ngày. Đất mặn chua nhiều chiếm diện tích tương đương với đất mặn, phân bố chủ yếu ở phường Vĩnh Thanh, Vĩnh Thông và Vĩnh Hiệp. Loại đất này có độ phì khá cao nhưng lại bị nhiễm mặn và nhiều phèn. Độ pH nhỏ hơn 4, năng suất cây trồng thấp. Muốn cải tạo đất, đòi hỏi phải giải quyết nhiều khâu kĩ thuật như phải có nước ngọt để tháo chua, có giống cây trồng thích hợp... Đất mặn chua ít chiếm diện tích nhỏ (khoảng 1,3km2) phân bố rải rác ở các phường. Đất này có độ chua từ vừa đến ít, độ pH lớn hơn 4,5, là loại đất khá thuần phục. Hàng năm nếu đủ nước từ tháng 5 đến tháng 10 thì đất có khả năng canh tác tốt, trở thành vùng sản xuất lúa cao sản.
Khí hậu
Dữ liệu khí hậu của Rạch Giá | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tháng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Năm |
Cao kỉ lục °C (°F) | 35.6 (96.1) |
35.4 (95.7) |
37.8 (100.0) |
37.9 (100.2) |
37.7 (99.9) |
34.2 (93.6) |
33.7 (92.7) |
33.4 (92.1) |
34.4 (93.9) |
33.9 (93.0) |
33.2 (91.8) |
34.8 (94.6) |
37.9 (100.2) |
Trung bình ngày tối đa °C (°F) | 30.6 (87.1) |
31.8 (89.2) |
33.1 (91.6) |
33.6 (92.5) |
32.2 (90.0) |
30.6 (87.1) |
30.1 (86.2) |
29.7 (85.5) |
30.0 (86.0) |
30.7 (87.3) |
30.4 (86.7) |
29.7 (85.5) |
31.0 (87.8) |
Trung bình ngày °C (°F) | 25.8 (78.4) |
26.5 (79.7) |
27.7 (81.9) |
28.7 (83.7) |
28.7 (83.7) |
28.2 (82.8) |
27.9 (82.2) |
27.6 (81.7) |
27.7 (81.9) |
27.5 (81.5) |
27.0 (80.6) |
25.9 (78.6) |
27.4 (81.3) |
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) | 22.4 (72.3) |
22.8 (73.0) |
24.0 (75.2) |
25.4 (77.7) |
26.0 (78.8) |
25.8 (78.4) |
25.6 (78.1) |
25.4 (77.7) |
25.5 (77.9) |
25.1 (77.2) |
24.5 (76.1) |
22.8 (73.0) |
24.6 (76.3) |
Thấp kỉ lục °C (°F) | 14.8 (58.6) |
16.9 (62.4) |
17.1 (62.8) |
21.5 (70.7) |
22.0 (71.6) |
21.7 (71.1) |
21.9 (71.4) |
21.9 (71.4) |
22.2 (72.0) |
21.3 (70.3) |
19.0 (66.2) |
16.3 (61.3) |
14.8 (58.6) |
Lượng Giáng thủy trung bình mm (inches) | 11 (0.4) |
7 (0.3) |
25 (1.0) |
97 (3.8) |
249 (9.8) |
277 (10.9) |
309 (12.2) |
369 (14.5) |
300 (11.8) |
295 (11.6) |
173 (6.8) |
44 (1.7) |
2.156 (84.9) |
Số ngày giáng thủy trung bình | 1.6 | 1.3 | 2.4 | 7.9 | 16.5 | 20.0 | 20.3 | 22.1 | 19.8 | 21.1 | 15.6 | 5.8 | 154.5 |
Độ ẩm tương đối trung bình (%) | 77.9 | 76.9 | 76.6 | 78.3 | 82.8 | 84.6 | 85.3 | 85.8 | 85.1 | 84.3 | 81.6 | 79.3 | 81.5 |
Số giờ nắng trung bình tháng | 249 | 237 | 258 | 244 | 206 | 169 | 178 | 160 | 161 | 176 | 203 | 228 | 2.470 |
Nguồn: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng[4] |
Hành chính
Thành phố Rạch Giá có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 10 phường: An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thông và xã Phi Thông.
Bản đồ hành chính thành phố Rạch Giá
Lịch sử
Nguồn gốc tên gọi Rạch Giá
Về tên gọi Rạch Giá có một số giả thuyết:
- Một số ý kiến[5] cho rằng Rạch Giá là do đọc chệch từ tiếng Khmer Kramuon Sar[6] (sáp trắng) mà ra, tuy nhiên sự biến âm này thiếu tính thuyết phục. Ngày nay, người Khmer vẫn gọi thành phố Rạch Giá là "ក្រមួនស" Kramuonsa.
- Các ý kiến khác thì cho rằng tên Rạch Giá[7] có từ thời chúa Nguyễn, khi ấy ở đây có rất nhiều cây giá bên bờ rạch, đất rộng và hoang vu, dân cư thưa thớt, đa số là người Khmer và người Việt. Giả thuyết này hợp lý và đáng tin cậy.
“ | Xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại | ” |
— Nhà văn Sơn Nam |
- Trong tiếng Trung Quốc, Rạch Giá được ghi là 迪石[8]. Theo John Crawfurd, các thương nhân người Hoa phiên âm Rạch Giá thành Tek-sia.[9][10][11] Trong tiếng Mân Nam Phúc Kiến, 迪石 đọc là Tek-sia.
Lịch sử
Thành phố có bề dày lịch sử khai phá hơn 300 năm,[12] trong khi vị trí hiện nay của Rạch Giá từng là cảng thị sầm uất của quốc gia Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII, phân định từ di chỉ Nền Chùa (Takev) được khai quật năm 1944 của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret.[13]
Giai đoạn thế kỷ XVII - giữa thế kỷ XIX
Địa danh Rạch Giá được nhắc đến lần đầu tiên trong chính sử Việt Nam là ở cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong đó có đoạn
- " Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành.
- Ban đầu có người tên là Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), nhà Minh mất hẳn (nhưng mãi đến năm Khang Hy thứ 19, vùng Quảng Đông mới bình định xong). Mạc Cửu không khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, mới chừa tóc rồi chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên. Ông thấy ở phủ Sài Mạt của nước ấy, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và) các nước tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, bèn thầu mua thuế ấy, lại còn đào được một hầm bạc nên bỗng trở thành giàu có. Từ đó ông chiêu mộ dân Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ (hay Trũng Kè, Lũng Cả -réam), Cần Bột (Cần Vọt - Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm - Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau lập thành bảy xã thôn[14]."
Theo sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 3) thì "Năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau [15]". Như vậy địa danh Rạch Giá đã xuất hiện ít nhất từ cuối thế kỉ 17.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập ra huyện Kiên Giang, đặt trấn lỵ tại đây. Trong Đại Nam nhất thống chí, mục "Thành Trì" có ghi: "Huyện não (đồn canh của huyện) Kiên Giang mặt trước dài 19 trượng 2 thước, bề ngang dài 12 trượng 6 thước, ở địa phận xã Vân Tập, vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Chợ Sái Phu, ở huyện Kiên Giang, tục danh là chợ Rạch Giá, phố xá liền lạc, ghe buôn đến đậu đông đảo.[16]".
Từ vùng đất rộng người thưa, Rạch Giá là nơi cộng cư của người Việt, Hoa và Khmer, nhưng chiếm đa số là người Việt và Khmer. Trước đời Gia Long, dân chúng đã chọn lựa vài gò cao ven các sông rạch để cư trú. Từ làng chài nhỏ ven cửa sông, Rạch Giá dần phồn thịnh hơn nhờ buôn bán lúa gạo và thương mại sung túc. Vào TK XVII, tức thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vùng Rạch Giá nay là một trong 7 đơn vị hành chính thuộc Trấn Hà Tiên xưa.
Thời Pháp thuộc
Sau khi chiếm được Vĩnh Long và Hà Tiên, năm 1867, Pháp bắt đầu tiến đến Rạch Giá. Ngày 18 tháng 8 năm 1867, Pháp đặt hạt thanh tra Rạch Giá do đổi tên từ hạt thanh tra Kiên Giang, do Labellivière làm chánh thanh tra đầu tiên. Ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa ở đây, giết gần như toàn bộ quân lính và viên chức người Pháp.
Ngày 5 tháng 6 năm 1871, thời Dulieu làm chánh thanh tra Rạch Giá, chính quyền thuộc địa Pháp tách vùng Cà Mau ra khỏi Rạch Giá. Ngày 18 tháng 12 năm 1871, Pháp lại nhập Cà Mau vào Rạch Giá. Từ ngày 5 tháng 1 năm 1876, đổi hạt thanh tra thành hạt tham biện, các thôn thành các làng, cử Granier làm chánh tham biện Rạch Giá. Ngày 12 tháng 8 năm 1888, thời Nansot làm chánh tham biện, Rạch Giá bị giải thể, nhập vào hạt Long Xuyên. Ngày 27 tháng 12 năm 1892, Pháp tái lập hạt Rạch Giá với 4 tổng.
Ngày 26 tháng 1 năm 1894, chính quyền thực dân Pháp hợp nhất 4 làng Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa, Thanh Lương và Vân Tập thành một làng mới lấy tên là làng Vĩnh Thanh Vân, đồng thời vẫn là nơi đặt lỵ sở của hạt tham biện Rạch Giá như trước đó.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, đổi hạt tham biện Rạch Giá thành tỉnh Rạch Giá, chủ tỉnh Pháp đầu tiên là L. Rivet. Ngày 25 tháng 5 năm 1900, lập tổng Kiên Tường, tổng Thanh Bình. Ngày 31 tháng 12 năm 1907, lập thêm tổng An Ninh và tổng Thanh Biên. Ngày 6 tháng 1 năm 1916, lập thêm tổng Thanh Tuyên, tổng Thanh Yên.
Ngày 18 tháng 12 năm 1929, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã hỗn hợp Rạch Giá trên cơ sở cải biến khu đô thị Rạch Giá, trụ sở tại làng Vĩnh Thanh Vân dưới quyền một viên Thị trưởng và một Hội đồng thị xã.
Ngày 16 tháng 1 năm 1930, Pháp chia địa bàn thị xã Rạch Giá thành 5 khu vực để đánh thuế. Năm 1930, chủ tỉnh A. Bonnemain quản lý Rạch Giá. Ngày 30 tháng 4 năm 1934, Pháp nâng thị xã lên thành phố và chia thành 3 khu phố.
Giai đoạn 1956-1976
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Tỉnh lỵ tỉnh Kiên Giang đặt tại Rạch Giá và vẫn giữ nguyên tên là "Rạch Giá", về mặt hành chánh thuộc xã Vĩnh Thanh Vân thuộc quận Kiên Thành.
Sau năm 1956, thị xã Rạch Giá bị giải thể, sáp nhập vào địa bàn xã Vĩnh Thanh Vân thuộc quận Kiên Thành của tỉnh Kiên Giang.
Ngày 20 tháng 11 năm 1970, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập thị xã Rạch Giá, là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Kiên Giang. Thị xã Rạch Giá được tái lập trên cơ sở các xã Vĩnh Thanh Vân và An Hòa cùng thuộc quận Kiên Thành trước đó. Từ đó cho đến năm 1975, thị xã Rạch Giá và tỉnh Kiên Giang là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 07 tháng 6 năm 1971, thị xã Rạch Giá có 6 khu phố trực thuộc là: Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh, Vĩnh Lạc, Vĩnh Hiệp, An Hoà, Phó Cơ Điều.
Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn giữ nguyên tên gọi tỉnh Rạch Giá; đồng thời duy trì thị xã Rạch Giá trực thuộc tỉnh Rạch Giá từ năm 1956 cho đến năm 1976.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì tỉnh Rạch Giá như trước đó cho đến đầu năm 1976. Lúc này thị xã Rạch Giá vẫn giữ vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Rạch Giá.
Từ năm 1976 đến nay
Tháng 2 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định tái lập tỉnh Kiên Giang với tỉnh lỵ là thị xã Rạch Giá và là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Kiên Giang.
Ban đầu, Thị xã Rạch Giá có 5 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường: An Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Thanh và Vĩnh Thanh Vân.
Ngày 27 tháng 9 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 107-HĐBT[17]. Theo đó:
- Sáp nhập xã Phi Thông của huyện Châu Thành vào thị xã Rạch Giá.
- Chia phường Vĩnh Thanh Vân thành 2 phường: Vĩnh Thanh Vân và Vĩnh Hòa.
- Chia phường Vĩnh Lạc thành 3 phường: Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo và An Lạc.
- Chia phường An Hoà thành phường An Bình và xã An Hòa.
- Chia phường Vĩnh Thanh thành phường Vĩnh Thanh và 2 xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Quang.
- Chia phường Vĩnh Hiệp thành 2 xã: Vĩnh Thông và Vĩnh Hiệp.
Ngày 25 tháng 4 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 92-HĐBT[18]. Theo đó:
- Sáp nhập thị trấn Rạch Sỏi của huyện Châu Thành vào thị xã Rạch Giá.
- Thành lập phường Rạch Sỏi trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Rạch Sỏi.
- Giải thể phường An Lạc và 2 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Trung để thành lập phường Nguyễn Trung Trực.
- Giải thể 3 xã: An Hòa, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thông để thành lập 3 phường: An Hòa, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thông.
Ngày 31 tháng 5 năm 1991, Ban tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 288-TCCP[19]. Theo đó:
- Sáp nhập phường An Bình vào phường An Hòa.
- Sáp nhập phường Vĩnh Bảo vào phường Vĩnh Lạc.
- Sáp nhập phường Vĩnh Hòa vào phường Nguyễn Trung Trực.
- Sáp nhập phường Vĩnh Thông vào phường Vĩnh Hiệp.
Ngày 24 tháng 4 năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP[20]. Theo đó, sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực vào phường Vĩnh Thanh.
Ngày 18 tháng 3 năm 1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 23-CP[21].Theo đó, thành lập phường Vĩnh Thông trên cơ sở 1.518,56 ha diện tích tự nhiên và 7.151 nhân khẩu của xã Phi Thông.
Ngày 14 tháng 11 năm 2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 84/2001/NĐ-CP[22]. Theo đó:
- Thành lập phường Vĩnh Quang trên cơ sở 1.064,8 ha diện tích tự nhiên và 18.449 nhân khẩu của phường Vĩnh Thanh.
- Thành lập phường Vĩnh Lợi trên cơ sở 398,4 ha diện tích tự nhiên và 7.659 nhân khẩu của phường Rạch Sỏi.
Ngày 11 tháng 2 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 10/2003/NĐ-CP[23]. Theo đó, thành lập phường Vĩnh Bảo trên cơ sở 77,38 ha diện tích tự nhiên và 17.789 nhân khẩu của phường Vĩnh Lạc.
Ngày 8 tháng 1 năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 11/2004/NĐ-CP[24]. Theo đó, thành lập phường An Bình trên cơ sở 479,75 ha diện tích tự nhiên và 13.794 nhân khẩu của phường An Hòa.
Ngày 29 tháng 10 năm 2004, thị xã Rạch Giá được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 theo Quyết định số 1687/QĐ-BXD.
Như vậy, tính đến cuối năm 2004, thì thị xã Rạch Giá có 12 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 11 phường: An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Bảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thông và xã Phi Thông.
Ngày 26 tháng 7 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 97/2005/NĐ-CP[25]. Theo đó, thành lập thành phố Rạch Giá trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Rạch Giá.
Thành phố Rạch Giá có 9775,42 ha diện tích tự nhiên và 205.660 nhân khẩu với 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường: Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, An Hòa, An Bình, Rạch Sỏi, Vĩnh Thông, Vĩnh Hiệp và xã Phi Thông.
Ngày 18 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 268/QĐ-TTg[26] về việc công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Thành phố Rạch Giá có 11 phường và 1 xã.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1247/NQ-UBTVQH15[27] về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2024). Theo đó, sáp nhập phường Vĩnh Bảo vào phường Vĩnh Thanh Vân.
Thành phố Rạch Giá có 10 phường và 1 xã như hiện nay.
Ngày 21 tháng 1 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 195/QĐ-TTg[1] về việc công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Kinh tế - xã hội
Rạch Giá là đô thị kinh tế biển, bao gồm dịch vụ, thương mại và đánh bắt thủy hải sản. Thành phố biển miền Tây Nam này ngày càng có nhiều người biết đến hơn là bởi Rạch Giá đang sở hữu khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam.
Tháng 5 năm 2011, Thủ tướng chính phủ đã cho khởi công tuyến tránh TP Rạch Giá dài 20 km, hiện tại đã hoàn thành. Đây là dự án thành phần của tuyến hành lang ven biển Tây nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan nhằm gắn kết và đẩy mạnh phát triển các thành phố ven Vịnh Thái Lan gồm Pattaya - Sihanouk ville - Hà Tiên.
Do những lợi thế tự nhiên lẫn nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và dân thành phố Rạch Giá mà trong suốt thời gian 15 năm qua kể từ khi Rạch Giá được công nhận là thành phố vào năm 2005 luôn giữ mức tăng trưởng kinh tế từ 14 - 15%/ năm. Cụ thể như:
Tốc độ tăng trưởng bình quân (2005-2010) tăng 14,38%; thu nhập bình quân đầu người từ 870 USD (12,334 triệu đồng) năm 2005 lên 1.637 USD (30,908 triệu đồng); thu ngân sách thành phố năm 2010 đạt 304 tỷ đồng, tăng 1,78 lần so năm 2005, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh và đúng hướng; các ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP là 68,71%, công nghiệp-xây dựng 18,69%, nông nghiệp-hải sản 12,60%.[28]
Năm 2008 - 2013, Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Rạch Giá đạt 15.07%, tổng sản phẩm GDP năm 2013 ở mức 4.700 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng gần 16% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người 44.6 triệu đồng/năm. Cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm 72,48%, công nghiệp-xây dựng chiếm 16,71%, nông-lâm-thủy sản 10,81%. Năm 2012 thành phố phối hợp với các nhà đầu tư đưa vào khai thác Siêu thị Metro, chợ Vĩnh Thanh 2, chợ Nguyễn Thoại Hầu. Đặc biệt năm qua thành phố phối hợp với các sở ngành tỉnh, nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa, bồi thường để triển khai các công trình trọng điểm như: Tuyến tránh Rạch Giá, các cầu trung tâm lấn biển, khu dân cư Phan Thị Ràng...với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đến cuối măm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 1,2%.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm đạt 15,1%, tăng 0,85% so nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ từ 69,52% năm 2010 lên 78,46% năm 2015, giảm công nghiệp - xây dựng từ 17,74% năm 2010 còn 13,45%, nông nghiệp từ 12,74% năm 2010 còn 8,09%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 25.244 tỷ đồng và tăng 3,15 lần.[29] Theo báo cáo của cụ thể của Cục thống kê Kiên Giang ngày 20/8/2015 thì
- Ngành dịch vụ: Được xác định là ngành chủ lực và thế mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội hàng năm đạt 19.739 tỷ đồng và tăng bình quân 23%/năm, tăng 2,28 lần so 5 năm trước. Hệ thống chợ, siêu thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp và khai thác có hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua, bán của nhân dân, giữ vai trò là đầu mối giao thương hàng hóa với các nơi trong và ngoài tỉnh, trong đó riêng hệ thống siêu thị có Co.op Mart Rạch Sỏi và Rạch Giá, Metro (Megamart), City Mart. Các loại hình dịch vụ phát triển mạnh về số lượng, quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ, bình quân hàng năm thu hút 1,4 triệu lượt khách du lịch.[29]
- Công nghiệp - xây dựng: Giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 3.700 tỷ đồng, tăng bình quân 8,5%/năm, tăng 1,18 lần so năm 2010. Các ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Công nghiệp chế biến nông-thủy sản; cơ khí; đóng, sửa tàu thuyền; sản xuất nước mắm; công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; thủ công mỹ nghệ. Bằng nhiều nguồn vốn đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và hệ thống điện trung thế, hạ thế và giao thông liên tỉnh, giao thông trong nội ô Thành phố.[29]
- Nông nghiệp: Sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt 72 ngàn tấn, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 76,11 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm 416,8 tỷ đồng, tăng 5%/năm. Giá trị sản xuất thủy - hải sản bình quân hàng năm 3.457 tỷ đồng, tăng 7,39%/năm; sản lượng khai thác hải sản bình quân đạt 198,56 ngàn tấn/năm, tăng 1,26 lần; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm đạt 796 tấn, tăng 1,68 lần so với năm 2010. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2015 xã Phi Thông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.[29]
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, tăng 1,16 lần so với nhiệm kỳ trước. Quan tâm củng cố kiện toàn, nâng lên chất lượng hoạt động kinh tế tập thể; hợp tác nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu các mặt hàng nông, hải sản.
- Tổng thu ngân sách 5 năm được 2.845 tỷ đồng, đạt 115% chỉ tiêu tỉnh giao, tăng 2,2 lần, bình quân tăng 15%/năm. Chi ngân sách 5 năm 2.427 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so, bình quân tăng 17%/năm.[29]
Hệ quả là thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 69,51 triệu đồng (tương đương 3.278 USD), gấp 2,3 lần so năm 2010, cao gấp gần 1,6 lần mức thu nhập bình quân đầu người toàn quốc năm 2015 (tương đương 2.058 USD)[30].
Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ, thành phố Rạch Giá đã đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so Nghị quyết Đại hội.[29]
Năm 2016, Rạch giá đón nhận nhiều nguồn đầu tư với hàng loạt những dự án lớn như khu lấn biển tây bắc, đảo nhân tạo Phú Gia, trung tâm thương mại Vincom Plaza... Ngoài ra, các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện liên tục được triển khai tại đây. Hiện nay, thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện khu đô thị Phú Cường và đảo Phú Gia nằm tại khu vực phía Nam thành phố.
Dự kiến trong năm 2019, thành phố sẽ quyết định đầu tư xây dựng thêm khu lấn biển Trần Quang Khải và đảo nhân tạo Phú Quý thuộc khu đô thị lấn biển Tây Nam Rạch Sỏi. Các dự án lấn biển khu đô thị ở đây sẽ giúp cho Rạch Giá trở thành một đô thị hạt nhân quan trọng của tỉnh và là thành phố đầu tiên ở Việt Nam đang sở hữu dải công viên bờ biển cảnh quan dài nhất khu vực.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo của thành phố Rạch Giá nhấn mạnh rằng sẽ cố gắng phấn đấu để sớm đưa thành phố trở thành đô thị loại I.
Giáo dục
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Rạch Giá có tổng cộng 7 trường THPT. Trong đó, có một trường THPT chuyên là trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (phường Vĩnh Lạc). Ngoài ra còn 6 trường THPT khác:
- Trường THPT Phó Cơ Điều (phường An Hòa)
- Trường THPT Võ Văn Kiệt (phường An Hòa)
- Trường THPT Nguyễn Hùng Sơn (phường Rạch Sỏi)
- Trường THPT iSCHOOL Rạch Giá (phường Vĩnh Lạc)
- Trường THPT Nguyễn Trung Trực (phường Vĩnh Thanh)
- Trường THPT Ngô Sĩ Liên (xã Phi Thông)
Cũng theo đó, hiện tại, toàn thành phố đã có 4 trường cao đẳng Kiên Giang:
- Trường Cao đẳng Y tế (14 Phạm Ngọc Thạch, P Vĩnh Thanh)
- Trường Cao đẳng Nghề (Nguyễn Trung Trực, P An Hoà)
- Trường Cao đẳng Kiên Giang (425 Mạc Cửu, P Vĩnh Thanh)
- Trường Cao đẳng Sư phạm (449 Nguyễn Chí Thanh, P. Rạch Sỏi)
Với sự xây dựng nhiều nhiều trường học như vậy đã phần nào to lớn giúp xóa nạn mù chữ trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh Kiên Giang nói chung.
Quy hoạch đô thị
Từ những năm 1997, Rạch Giá đã bắt đầu mở rộng và phát triển đô thị quy mô lớn. Khu Trung tâm Thương mại Rạch Giá, khu đô thị lấn biển Rạch Giá được tiến hành vào những năm 1997 đã tạo tiền đề cho công tác quy hoạch đô thị bài bản và hiện đại. Hệ quả đến hôm nay, Rạch Giá có được những khu dân cư quy hoạch hợp lý, những tuyến phố thương mại tập trung sầm uất. Đồng thời, Rạch Giá được đánh giá là thành phố trực thuộc tỉnh có sức mạnh tổng hợp thuộc top đầu của các trung tâm hàng đầu ở miền Tây. Rạch Giá là một trong những thành phố đông dân nhất Tây Nam Bộ cũng như cả nước.
Công tác quy hoạch và phát triển mở rộng Rạch Giá đã bắt đầu hoạt động từ 1997 đến nay, với hoạt động đáng chú ý là khởi công khu đô thị Lấn biển Rạch Giá vào tháng 12 năm 1997. Rạch Giá đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn phát triển trên các lĩnh vực, từ vốn của khối kinh tế tư nhân cho đến vốn trung ương, từ hạ tầng đô thị cho đến công nghiệp dịch vụ. Rạch Giá hiện có khá nhiều công trường, các hoạt động kinh tế và các khu vui chơi.
Rạch Giá ban đầu chỉ là một vùng đất ẩm thấp nhỏ hẹp, sình lầy. Do quá trình bồi tụ của phù sa sông cùng với những dự án lấn biển thành công từ thế kỷ trước đến nay đã mở rộng đáng kể diện tích cũng như thay đổi bộ mặt thành phố.
Theo Ban Quản lý dự án lấn biển Kiên Giang, hiện khu vực vịnh Rạch Giá thuộc TP. Rạch Giá đã hình thành 2 khu lấn biển với tổng diện tích khoảng 520 ha. Trong số này, dự án lấn biển Rạch Giá được chính thức khởi công xây dựng từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 420 ha, khu Tây Bắc gần 100 ha (khởi công năm 2015) và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 ha. Chỉ riêng dự án lấn biển Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho 60.000 người dân cùng với việc xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học,...
Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường là đơn vị đầu tiên được tỉnh Kiên Giang bàn giao khoảng 160 ha đất trong dự án biển Rạch Giá để xây dựng khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ như khu nhà ở, nhà phố, biệt thự hướng biển cao cấp, công viên cây xanh, khu khách sạn từ 3 - 5 sao, khu resort nghỉ dưỡng dọc bờ biển, khu vui chơi giải trí với những trò chơi hiện đại, hấp dẫn phục vụ cư dân địa phương và khách du lịch,...
Trong khi đó, khu lấn biển Tây Bắc đã được chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân ở địa phương cho xây dựng các công trình công cộng, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, cao ốc văn phòng, nhà ở thương mại, nhất là tái định cư cho hộ dân đang sinh sống tại các khu nhà ở tạm bợ ven bờ sông, kênh rạch nội ô TP. Rạch Giá. Cùng với đó là hệ thống giao thông, vỉa hè, bờ kè lấn biển; hệ thống thoát nước mưa, nước thải, khu xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng công cộng, công viên và cây xanh.
Mới đây, nhằm quản lý xây dựng khu vực bờ biển TP. Rạch Giá ổn định dài hạn, UBND tỉnh Kiên Giang đã tạm dừng cấp phép đầu tư cho các dự án lấn biển mở rộng tiếp theo của các nhà đầu tư[31].
Được chọn thí điểm quy hoạch đô thị xanh bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc [32]
Ngày 7/7, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức khởi động dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam (GDSS). Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam Chang Jae Yun.
Dự án GDSS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 01/6/2016. Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại cho dự án 6,5 triệu USD (6,955 tỷ Won). Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp một khoản vốn đối ứng từ ngân sách đủ để trang trải các chi phí theo quy định của Việt Nam.
Hai đô thị được lựa chọn áp dụng thí điểm là khu đô thị Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) và TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).
Để đạt được các mục tiêu trên, các bên sẽ hợp tác thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng bộ chỉ số đánh giá về đô thị xanh, phát triển Hệ thống Hỗ trợ Quyết định trong Quy hoạch Đô thị Xanh (GDSS) và đề xuất khung pháp lý về quy hoạch đô thị xanh cho Bộ Xây dựng Việt Nam; Xây dựng hệ thống GDSS cho đô thị Yên Bình (TP. Rạch Giá); Đề xuất các phương án quy hoạch đô thị xanh cho Yên Bình, Rạch Giá thông qua việc áp dụng GDSS.
Dự án cũng đồng thời thực hiện các khóa đào tạo cho cán bộ Việt Nam về quy hoạch đô thị xanh; Cung cấp phần mềm, trang thiết bị và vật tư trong phạm vi dự án.
Giải thưởng "Quản lý phát triển đô thị xuất sắc" [33]
Ngày 25/ 4/2019, Ban Tổ chức Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất năm 2019 đã thông báo kết quả Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất năm 2019: Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là đơn vị đã đạt giải thưởng thuộc thể loại "Quản lý phát triển đô thị xuất sắc".
Theo nhận định của ban tổ chức Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất thì Rạch Giá cùng ba thành phố vừa và nhỏ khác (Hội An, Sa Đéc và Buôn Ma Thuột) có đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý phát triển đô thị tốt hơn các đô thị hàng đầu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.[34]
Văn hoá - du lịch
Rạch Giá chính là nơi có nhiều cảnh quan và tiềm năng sông nước biển đảo, lại có sức hút mạnh mẽ đối với thực khách phương xa khi đến thăm thành phố. Người Việt, Hoa và Khmer là những con người ấy đã dựng xây, thành tạo nên một nền văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc mà người đời thường gọi là văn minh xứ Rạch Giá, cùng vô số đền đài, chùa chiền và hàng trăm công trình thờ tự nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ.
Mặc dù là vùng xa xôi của tổ quốc, nhưng đất Rạch Giá không hề vắng bóng những anh hùng dân tộc, hết lòng chặt dạ vì dân vì nước, mà điển hình là Nguyễn Trung Trực đã đền nợ nước khi tuổi chưa đầy ba mươi. Cho đến hôm nay, Lễ tế Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn được tổ chức trang trọng vào các ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch.
Đây là lễ hội lớn nhất và có sức thu hút mạnh nhất ở Rạch Giá. Có thể coi đây là 1 sản phẩm du lịch rất đáng giá và mang lại nhiều giá trị. Ngày nay, lễ hội được tổ chức ngày một trang nghiêm với các hoạt động tế lễ đẹp mắt và văn minh.
Vào dịp lễ hội tháng Tám hàng năm, dân thập phương đổ về Rạch Giá rất đông. Nhiều nhà hảo tâm, và cả người bình dân đã đóng góp tiền của, công sức, cơm gạo để làm cơm thết đãi du khách. Người ta nô nức đi "ăn cơm đình", đó là bát cơm tình nghĩa, bát cơm của người Rạch Giá thết đãi du khách phương xa đã không ngại đường sá xa xôi đến đây dự lễ.
Di tích lịch sử
Di tích đã được xếp hạng
- Đình thần Nguyễn Trung Trực
- Chùa Tam Bảo
- Đình thần Vĩnh Hoà
- Mộ Huỳnh Mẫn Đạt
- Chùa Phật Lớn (Rạch Giá)
- Chùa Láng Cát
- Bảo tàng Kiên Giang
- Chùa Quan Đế
- Chùa Bà Thiên Hậu
- Chùa Ông Bổn
- Chùa Phổ Minh
Di tích chưa được xếp hạng
- Cổng Tam quan. Di tích này được coi là "cổng làng" và là biểu tượng chính thức của thành phố Rạch Giá.
- Đình phó cơ Nguyễn Hiền Điều
- Mộ hội đồng Suông
- Miếu Bắc Đế
- Thiên Hậu Cung
So với các đô thị khác trong vùng và cả nước, đô thị Rạch Giá có một kho tàng văn hóa độc đáo. Đó là sự dung hợp của các tộc người, các nền văn hóa lớn, chủ yếu từ Kinh, Hoa, Khơ Me. Biểu hiện của sự đa dạng và giao lưu văn hóa thể hiện ở các kiến trúc đình, chùa, các công trình thờ tự. Nếu biết khai thác và có định hướng phát triển hợp lý, những di tích văn hóa này đang là một sức hút rất lớn của thành phố Rạch Giá.
Giao thông
Rạch Giá có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á,...
Về đường bộ, hiện đã hình thành được tuyến đường vành đai phía đông và hệ thống đường kết hợp đê biển phía tây.
Các đại lộ lớn được thiết kế rộng rãi và mỹ quan bao gồm các đại lộ 3/2, đại lộ Lạc Hồng, đại lộ Trần Phú, đại lộ Trần Quang Khải, đại lộ Phan Thị Ràng. Cùng với đường Nguyễn Trung Trực, đường Lâm Quang Ky, đường Tôn Đức Thắng, tất cả làm nên mạng lưới giao thông xương sống của Rạch Giá.
Hiện tại tại Rạch Giá có 2 bến xe lớn: bến xe Rạch Giá và bến xe tỉnh Kiên Giang. Năm 2013, bến xe Rạch Giá đã chuyển chức năng giao thông liên tỉnh cho bến xe tỉnh Kiên Giang tại huyện Châu Thành
Mạng lưới giao thông xe buýt có khá sớm, từ Rạch Giá người ta có thể đi xe buýt theo 4 chuyến đến các huyện khác.
Hiện tại, Cảng hàng không Rạch Giá (Trước đây gọi là sân bay Rạch Sỏi) là sân bay duy nhất ở Rạch Giá với các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đi 2 chiều đến cả Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc.
Thành phố Rạch Giá có 2 bến tàu khách lớn là bến tàu du lịch Rạch Giá hay bến tàu Phú Quốc và bến tàu Rạch Mẽo. Tàu cao tốc là lựa chọn ít tốn kém hơn cho những ai muốn ra đảo Phú Quốc hay huyện Kiên Hải. Ngoài ra còn bến tàu Rạch Mẽo, chủ yếu vận chuyển hành khách và hàng hóa đi Miệt Thứ - U Minh Thượng.
Tên đường của Rạch Giá trước năm 1975
Bài này không có nguồn tham khảo nào. |
Tên cũ | Tên mới |
---|---|
Đại lộ Khải Định | Đường Tự Do |
Đường Vạn Kiếp | Đường Trần Bình Trọng |
Đường Nguyễn Văn Cầm và Nguyễn Công Trứ | Đường Nguyễn Công Trứ |
Đường Trần Bình Trọng | Đường Võ Thị Sáu |
Đường Nguyễn Văn Lạc | Đường Lê Lai |
Công Trường Nguyễn Văn Thinh | Bùng binh gần cầu đúc |
Đường Nguyễn Tri Phương | Đường Lê Lợi |
Đại lộ Phó Cơ Điều, Châu Văn Tiếp, Ngô Tùng Châu | Đường Trần Phú |
Đường Thái Lập Thành | Đường Bạch Đằng |
Đường Phan Thanh Giản | Đường Trần Quang Diệu |
Đường Trương Vĩnh Ký, Thiệu Trị và Võ Tánh | Đường Nguyễn Hùng Sơn |
Đường Trần Hưng Đạo và Minh Mạng | Đường Trần Hưng Đạo |
Đường Lê Văn Duyệt và Phủ Chiếu | Đường Nguyễn Văn Trỗi |
Đường Bạch Đằng | Đường Cô Giang |
Đường Cử Trị | Đường Phan Văn Trị |
Đường Gia Long | Đường Lý Tự Trọng |
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm | Đường Đồng Khởi |
Chú thích
- ^ a b “Quyết định số 195/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam. 21 tháng 1 năm 2025.
|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 31 tháng 12 năm 2020 - tỉnh Kiên Giang” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2021.
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (Vietnam Building Code Natural Physical & Climatic Data for Construction)” (PDF). Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2018.
- ^ Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tên tiếng Khmer là "péam prêk kramuon so" (nghĩa là Vàm rạch Sáp Trắng - chữ Khmer có thể là ពាម ព្រែក ក្រមួន ស)
- ^ ក្រមួនស /Krâmuŏn Sâ / hoặc / Kramuon Sar /
- ^ Hán Việt 瀝架
- ^ âm Hán Việt là "Địch Thạch"
- ^ The river of Tek-sia disembogues itself into the Gulf of Siam, about the latitude of 9° 46' North. This is the name given to it by the Chinese traders ; but in the Kambojan language it is called Kar-mun-sa, and in the Cochin Chinese Ret-ja. Tạm dịch: Sông Tek-sia đổ vào Vịnh Thái Lan, khoảng vĩ độ 9°46' Bắc. Đây là tên do các thương nhân Trung Hoa đặt cho nó; nhưng trong tiếng Khmer nó được gọi là Kar-mun-sa, và trong tiếng Việt ở Miền Nam gọi là Ret-ja.
- ^ “Burmah, Siam, and Cochin China [cartographic material]”. Truy cập 26 tháng 11 năm 2023.
- ^ Arrowsmith, John, 1790-1873. “(Cartographic) Burmah, Siam, and Cochin China,”. University of Minnesota Libraries, John R. Borchert Map Library. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023. Chú thích có tham số trống không rõ:
|1=
(trợ giúp)Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết) - ^ “LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2018.
- ^ “Bổ sung Dự án khai quật di tích Nền Chùa”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2019.
- ^ Gia Định thành thông chí, (quyển 3, tập Trung, tờ 63b) Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Sài Gòn xuất bản, 1972, hay xem tại đây:[1]. Nói thêm: Sài Mạt, Cần Bột, Lũng Kỳ, Hương Úc, nay đều thuộc Vương quốc Campuchia.
- ^ Nhiều người soạn, Trần Nam Tiến chủ biên, Nhà xuất bản Trẻ, tr. 196.
- ^ Đại nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam, Viện sử học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006.
- ^ Quyết định 107-HĐBT năm 1983
- ^ Quyết định 92-HĐBT năm 1988
- ^ Quyết định số 288-TCCP năm 1991
- ^ Nghị định số 19-CP năm 1993
- ^ Nghị định 23-CP năm 1997
- ^ Nghị định 84/2001/NĐ-CP
- ^ Nghị định 10/2003/NĐ-CP
- ^ Nghị định 11/2004/NĐ-CP
- ^ Nghị định 97/2005/NĐ-CP
- ^ Quyết định số 268/QĐ-TTG
- ^ “Nghị quyết số 1247/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2023 – 2025”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 24 tháng 10 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2024.
- ^ “RẠCH GIÁ THÀNH TỰU VÀ PHÁT TRIỂN”.[liên kết hỏng]
- ^ a b c d e f “Thành phố Rạch Giá phấn đấu xây dựng và phát triển thành thành phố văn minh, hiện đại, hài hòa”.
- ^ “GDP per capita (current US$)”.
- ^ “Ngỡ ngàng với khu lấn biển vịnh Rạch Giá”.
- ^ “Khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam”.
- ^ “ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ ĐẠT GIẢI THƯỞNG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XUẤT SẮC (23/05/2019)”.[liên kết hỏng]
- ^ “Hội An, Rạch Giá có đồ án quy hoạch đô thị tốt hơn Hà Nội, TP.HCM”.
- Tổng cục Thống kê Việt Nam (2006), Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam, 2006, Nhà xuất bản Thống kê
- Tư liệu liên quan tới Rach Gia tại Wikimedia Commons
Tham khảo
- Bản đồ năm 1832 có ghi chú về sông Rạch Giá: Arrowsmith, John. (1832). Burmah, Siam, and Cochin China Retrieved November 25, 2023, from http://nla.gov.au/nla.obj-231211430
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (ngày 26 tháng 1 năm 2016). "Địa lí địa phương tỉnh Kiên Giang" - Tái bản lần thứ hai.